Thanh niên Việt Nam: Sức mạnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Chiều ngày 17/12, trong khuôn khổ chương trình Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029, các đại biểu đã tham gia các tổ thảo luận, trong đó Tổ thảo luận số 02 tập trung vào chủ đề quan trọng: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một vấn đề hết sức thiết yếu trong phương hướng công tác Hội và phong trào thanh niên, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Tại Tổ thảo luận số 02, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các giải pháp thiết thực nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các ý kiến đóng góp tập trung vào việc xây dựng các chương trình và sáng kiến để thanh niên nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa, bảo tồn di sản, cũng như phát huy truyền thống dân tộc, đồng thời gắn kết văn hóa với sự phát triển bền vững của xã hội trong thời đại công nghệ số.
Đưa văn hóa dân tộc vào cuộc sống trẻ
Chị Hà Thị Minh Châu - Bí thư Quận Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Quận Lê Chân, TP. Hải Phòng, đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Chị nhấn mạnh, trong kỷ nguyên số hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phải bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người có trách nhiệm thiêng liêng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Chị Minh Châu cho biết, trong nhiệm kỳ qua, các tổ chức Hội các cấp đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền và giáo dục thanh niên về ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Quận Hội Lê Chân, với nỗ lực đổi mới hình thức tuyên truyền, đã kết hợp các giá trị truyền thống với các giá trị thời đại, đặc biệt là trong kỷ nguyên số. Các di tích lịch sử và văn hóa của quận đã được số hóa thông qua công nghệ VR360, giúp người dân và du khách có những trải nghiệm sống động và chân thực.
Bên cạnh đó, Quận Hội Lê Chân cũng tổ chức các công trình thanh niên để giáo dục truyền thống như "Số hóa địa điểm thành lập chi bộ Đoàn đầu tiên của cả nước", góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của địa phương. Đồng thời, các hoạt động truyền thông đã giúp thanh niên nhận thức rõ về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Chị Phùng Thị Tâm - Ủy viên Ủy ban Hội LHTN tỉnh Lai Châu, cũng đã đóng góp những ý tưởng quan trọng trong việc phát huy vai trò của thanh niên trong công tác bảo tồn văn hóa. Chị chia sẻ: "Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, công tác giáo dục truyền thống cho thanh niên đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải đưa các giá trị văn hóa vào chương trình giảng dạy, kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, thực tế. Từ đó, thanh niên sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc gìn giữ các di sản văn hóa".
Ngoài ra, chị Phùng Thị Tâm cũng chia sẻ về các chương trình hỗ trợ thanh niên tại Lai Châu: "Chúng tôi đã triển khai nhiều dự án giúp thanh niên tham gia bảo tồn các nghề thủ công truyền thống của dân tộc. Đây không chỉ là cách để gìn giữ nghề truyền thống mà còn giúp thanh niên có cơ hội học hỏi và phát triển nghề nghiệp bền vững trong cộng đồng".
Kết nối văn hóa và phát triển kinh tế
Chị Lê Thị Vân Anh - Phó Bí thư phụ trách Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều vấn đề nảy sinh trong việc duy trì và bảo vệ giá trị di sản văn hóa đô thị. Đặc biệt, trong quá trình đô thị hóa, nhiều di sản văn hóa đô thị đang đối mặt với nguy cơ bị xâm hại, biến dạng hoặc xuống cấp.
Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững tạo nên nét đặc sắc, độc đáo của mỗi dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi", thể hiện rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Di sản văn hóa không chỉ là tài sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng cho sự phát triển tương lai.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, việc kết hợp di sản văn hóa và các công nghệ hiện đại đã mở ra những hướng đi mới trong bảo tồn. Ứng dụng công nghệ số vào công tác tuyên truyền và giáo dục giúp thanh niên dễ dàng tiếp cận và hiểu sâu về giá trị của di sản văn hóa. Ngoài các hoạt động tham quan, dã ngoại, thi viết, thi sân khấu hóa, các tổ chức Hội có thể tổ chức các chương trình truyền thông trực tuyến, đặc biệt là dành cho đối tượng thanh niên trong môi trường đô thị.
Định hướng cho thanh niên trong nhiệm kỳ mới
Phát biểu tại Tổ thảo luận số 02, chị Dương Minh Nguyệt – Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Tuyên Quang, cũng đã đưa ra những định hướng quan trọng cho nhiệm kỳ mới. Chị khẳng định, Hội sẽ đẩy mạnh các chương trình, hoạt động kết nối thanh niên với các giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi thanh niên sẽ không chỉ là người bảo vệ di sản văn hóa mà còn là người sáng tạo, phát huy những giá trị này trong cuộc sống hiện đại, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Với sự tham gia tích cực của thanh niên, các giá trị văn hóa dân tộc sẽ không chỉ được gìn giữ mà còn phát huy mạnh mẽ trong bối cảnh hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam.