Thanh niên làm theo lời Bác, giữ lửa làng nghề truyền thống
'Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà' - câu nói giản dị của Bác Hồ năm xưa như là kim chỉ nam soi đường cho hành trình khởi nghiệp của chàng trai Hà Nội Nguyễn Mạnh Hiếu, người đang góp phần thắp lửa làng nghề trong thời kỳ mới.

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu tại cơ sở kinh doanh giày da do anh thành lập. Ảnh: NVCC
Khởi nghiệp từ… đôi giày
Nguyễn Mạnh Hiếu sinh ra và lớn lên tại xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), vùng đất nổi tiếng với nghề giày da truyền thống hơn 100 năm. Anh là hậu duệ của cụ Nguyễn Mạc - người được xem là cụ tổ nghề giày da thôn Giẽ Hạ và sáng lập cơ sở giày da lớn nhất miền Bắc vào những năm 1930. Từng lớn lên giữa tiếng máy khâu, mùi da và bàn tay chai sần của cha mẹ, giống như bao bạn trẻ khác, Nguyễn Mạnh Hiếu có ước mơ lập nghiệp trên TP với tương lai rộng mở. Sau tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Thương mại, mặc dù có nhiều cơ hội làm việc trong các DN lớn, nhưng Nguyễn Mạnh Hiếu có quyết định táo bạo về quê khởi nghiệp nghề giày da của cha ông.
Anh Nguyễn Mạnh Hiếu chia sẻ: “Có những hộ từng có 2-3 đời làm giày, nay đã bỏ nghề đi làm công nhân. Con trẻ chẳng còn mấy ai biết cầm dao, cắt da như cha ông mình từng làm”. Chính những trăn trở khiến anh quyết định trở về, không phải với tâm thế của một người về quê nghỉ ngơi mà là một người trẻ mang theo tri thức mới để “giữ nghề”. Đối với anh, nghề giày da không đơn thuần là kế sinh nhai, mà là di sản, là “căn cước văn hóa” của cả một vùng quê.
Lựa chọn một hướng đi khác biệt, anh trở về làng, khởi nghiệp từ nghề của cha ông, nhưng làm mới bằng tư duy thời đại. Những ngày đầu thành lập, cơ sở giày da Huy Hoàng có vỏn vẹn 5 công nhân, phần lớn là người trong làng. Với kiến thức thương mại điện tử, anh mạnh dạn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, kết nối với các đối tác nước ngoài, tạo fanpage, website và thực hiện livestream giới thiệu sản phẩm.
Nhờ sáng tạo trong cách làm, từng đôi giày da đầu tiên mang nhãn hiệu “Huy Hoàng” bắt đầu xuất hiện trên thị trường online, sau đó có mặt tại các hội chợ, siêu thị, đến nay có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á như Lào và Campuchia. Hiện tại, xưởng sản xuất của anh mở rộng hơn 20 công nhân, mức thu nhập trung bình 8 - 15 triệu đồng/tháng. Mỗi năm tiêu thụ hơn 15.000 sản phẩm giày, đồng thời đón hàng trăm lượt khách tham quan làng nghề.
Không chỉ giữ nghề và làm kinh tế, anh Nguyễn Mạnh Hiếu còn lan tỏa tinh thần thanh niên tiên phong đến các bạn trẻ địa phương. Anh tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên, hỗ trợ lập dự án, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng online và cách tận dụng công nghệ số để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống.

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII. Ảnh: NVCC
Người trẻ với sứ mệnh lan tỏa
Không chỉ là một doanh nhân trẻ, anh Nguyễn Mạnh Hiếu hiện còn giữ vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, nơi có hơn 1.100 hội viên. Trong vai trò cán bộ nòng cốt, anh tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề.
Trước đây, làng nghề Phú Yên từng chịu áp lực lớn bởi rác thải công nghiệp từ da, cao su, keo dán… Các bãi rác tự phát ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Anh Nguyễn Mạnh Hiếu đã phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều mô hình thiết thực: xây dựng điểm thu gom phế liệu gây quỹ, tổ chức phân loại rác hữu cơ - vô cơ tại hộ dân, tổ chức các đợt ra quân xử lý rác thải và trồng hoa ven đường.
Nhờ những nỗ lực đó, tình trạng rác thải đã được kiểm soát hơn 95%. Làng nghề Phú Yên không còn “khói đen mù mịt” mỗi buổi chiều như trước, thay vào đó là những tuyến đường hoa đầy màu sắc, biểu tượng cho một làng nghề đang phát triển bền vững.
Tại Nghị quyết 68 ngày 4/5 về phát triển kinh tế tư nhân, Đảng và Nhà nước xác định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho phát triển đất nước. Những người như anh Nguyễn Mạnh Hiếu càng nhận thức rõ vai trò và sứ mệnh của mình.
Không dừng lại ở sản xuất, anh Nguyễn Mạnh Hiếu đặt mục tiêu mở rộng nhà xưởng, nâng quy mô lên 50 lao động và xây dựng công ty đủ sức cạnh tranh ở tầm quốc gia. Doanh thu mỗi năm của cơ sở đang tăng đều từ 10 -15%, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cả về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Năm 2023, UBND TP Hà Nội công nhận Làng nghề giày da Phú Yên là điểm du lịch làng nghề tiêu biểu. Anh Nguyễn Mạnh Hiếu cùng các DN trong xã bắt đầu đưa mô hình du lịch trải nghiệm vào hoạt động. Du khách có thể đến thăm xưởng sản xuất, trực tiếp tham gia làm giày và khám phá sâu sắc hơn văn hóa làng nghề truyền thống.
Mới đây, anh Nguyễn Mạnh Hiếu là một trong những đại diện thanh niên ưu tú Thủ đô tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII. Với anh, mỗi lời dạy của Bác Hồ về thanh niên, về trách nhiệm, dấn thân và khát vọng cống hiến luôn là kim chỉ nam cho hành trình lập thân, lập nghiệp. Trở về từ Đại hội, anh càng quyết tâm truyền cảm hứng cho các bạn trẻ quanh mình. “Tôi thấy mình mang theo một sứ mệnh mới, đó là phải lan tỏa tinh thần tiên phong, gương mẫu; tiếp tục rèn luyện, học tập và cống hiến nhiều hơn nữa. Đồng thời, tôi cũng mong muốn truyền lửa cho các bạn trẻ xung quanh, để mỗi bạn thanh niên đều có khát vọng vươn lên, biết sống trách nhiệm, sống đẹp, sống có ích” - anh Nguyễn Mạnh Hiếu bày tỏ.