Thanh niên dân tộc thiểu số có 'đường đi' mới, vừa học văn hóa vừa học nghề

Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đắk Lắk đã tìm cho mình hướng đi mới là 'học văn hóa song song với đào tạo nghề', để sớm có công việc ổn định.

Vừa qua, em Ksơr Y Hiếc (SN 2007) dân tộc Ê Đê, thường trú tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) là một trong 67 thanh niên DTTS được Trường Trung cấp Tây Nguyên cấp bằng nghề. Riêng em Ksơr Y Hiếc tốt nghiệp nghề Thương mại điện tử.

Sau khi tốt nghiệp trường nghề, em Ksơr Y Hiếc tiếp tục cùng bạn bè ngày đêm cố gắng ôn tập để thi THPT một cách tốt nhất.

Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Pắk học nghề tại Trường Trung cấp Tây Nguyên. Ảnh: Hải Dương

Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Pắk học nghề tại Trường Trung cấp Tây Nguyên. Ảnh: Hải Dương

“Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, em muốn đi làm ngay rồi mới tính chuyện học tiếp.

Do kinh tế gia đình khó khăn nên em không dám nghĩ tới việc đi đại học. Bản thân em chọn học nghề Thương mại điện tử vì muốn sớm kiếm thu nhập phụ giúp cha mẹ nuôi 4 em nhỏ. Hiện tại, sau khi có bằng nghề, em đã biết viết bài quảng bá sản phẩm, quay - dựng video…" - Ksơr Y Hiếc chia sẻ.

 Em Ksơr Y Hiếc vừa nhận bằng tốt nghiệp nghề Thương mại điện tử. Ảnh: Hải Dương

Em Ksơr Y Hiếc vừa nhận bằng tốt nghiệp nghề Thương mại điện tử. Ảnh: Hải Dương

Còn em Trương Thị Điềm (SN 2007) là người dân tộc Nùng, trú tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk. Em cho biết do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi xong lớp 9 đã quyết định chọn vào học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Pắk.

Năm 2022, khi có chủ trương hỗ trợ học nghề từ Nghị định 81/2021 của Chính phủ, em Điềm đã đăng ký học nghề Hướng dẫn du lịch tại Trường Trung cấp Tây Nguyên. Hồ sơ xin việc làm hướng dẫn viên du lịch đã được hoàn tất, và chỉ chờ tấm bằng tốt nghiệp THPT là em có thể đi làm.

Sở dĩ Điềm chọn học nghề Hướng dẫn du lịch vì muốn khám phá vẻ đẹp của quê hương, đất nước và các nước trên thế giới. Đây cũng là nghề đòi hỏi sự năng động, giỏi về ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp.

“Trường Trung cấp Tây Nguyên bố trí nơi học lý thuyết tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện nhà nên thuận lợi cho em trong việc học nghề và học chương trình THPT hệ Giáo dục thường xuyên.

Các đợt thực hành, chúng em được nhà trường dẫn đến thực tập tại công ty du lịch trong và ngoài tỉnh. Do đó, kỹ năng, nghiệp vụ học được học trong trường đã đưa vào vận dụng thực tế” - em Điềm bày tỏ.

Chính sách đúng đắn giúp thanh niên DTTS vươn xa

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ không chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí mà còn tạo nền tảng pháp lý cho chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Chính sách này đang được triển khai hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên dân tộc thiểu số phát triển nghề nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Một lớp học nghề đầu bếp tại Trường Trung cấp Tây Nguyên. Ảnh: Hải Dương

Một lớp học nghề đầu bếp tại Trường Trung cấp Tây Nguyên. Ảnh: Hải Dương

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Đắk Lắk (cũ), mỗi năm có hơn 300 học sinh DTTS tại địa phương đã và đang được thụ hưởng chính sách này thông qua việc học nghề tại các cơ sở như Trường Trung cấp Tây Nguyên, Trung cấp Đắk Lắk, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Dam San...

Bà Nguyễn Vũ Anh Thư - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Dam San - cho biết mỗi năm, trung tâm đào tạo hơn 200 học viên được học nghề miễn phí theo Nghị định 81. Riêng năm 2024 vừa qua có 299 học viên, trong đó 189 học viên người DTTS. Các ngành nghề đào tạo gồm pha chế, chế biến thực phẩm, nghiệp vụ nhà hàng…

Còn ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - khẳng định chính sách hỗ trợ 100% học phí học nghề cộng với hỗ trợ tiền ăn, ở, học bổng và giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp đang tạo ra sức hút rất lớn đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Theo TS Đỗ Tường Hiệp (Sở GD-ĐT Đắk Lắk), việc học sinh sau khi học xong cấp THCS (cấp bắt buộc phổ cập) lựa chọn học nghề phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện kinh tế là hướng đi phù hợp xu thế cũng như định hướng phân luồng sau THCS của Chính phủ. Tỷ lệ lựa chọn học nghề kết hợp học văn hóa tăng hơn 10% so với năm trước.

Hải Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thanh-nien-dan-toc-thieu-so-co-duong-di-moi-vua-hoc-van-hoa-vua-hoc-nghe-2414511.html
Zalo