Thanh niên 16 tuổi ở Phú Thọ nhập viện mặt sưng phù do sai lầm khi chăm sóc da nhiều bạn trẻ Việt mắc phải

Thanh niên cho biết có bôi kem trị mụn tại nhà. Lúc đầu thấy mụn khỏi rất nhanh, da mịn đẹp, nhưng sau đó bôi thuốc không bớt nữa, ngược lại sưng lên, sau đó mặt thâm sạm...

Trước đó, nam thanh niên H. (16 tuổi, ở Phú Thọ) được gia đình đưa đến Trung tâm Da liễu thẩm mỹ Hùng Vương, Phú Thọ khám có mụn mủ xen lẫn mụn đầu đen. Vùng da nổi mụn viêm tấy, nổi sần, sưng phù, lan từ vùng trán, đuôi mắt, hai bên má xuống cổ.

Bệnh nhân H. cho biết có bôi kem trị mụn tại nhà. Lúc đầu thấy mụn khỏi rất nhanh, da mịn đẹp, nhưng sau đó bôi thuốc không bớt nữa, ngược lại sưng lên, sau đó mặt thâm sạm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau khi bác sĩ thăm khám kiểm tra và nhận thấy bệnh nhân da nhờn, viêm tấy, bong vảy, lỗ chân lông viêm, tắc nghẽn nhiều.

Bệnh nhân được kê thuốc bôi kháng sinh giúp giảm sưng, viêm, ngưng thuốc corticoid. Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc da mụn đúng cách.

Bác sĩ cho biết người bệnh phải trải qua ít nhất 10 – 12 tuần điều trị bằng thuốc uống, thuốc bôi và các sản phẩm chăm sóc da mặt (sữa rửa mặt, nước toner – nước cân bằng da…). Đến khi hết mụn, người bệnh mới được điều trị các liệu pháp phục hồi da mặt.

Hệ lụy khi không chăm sóc mụn ở tuổi dậy thì đúng cách

Theo các bác sĩ, mụn là bệnh lý mạn tính của da, thường xuất hiện ở cả nam và nữ trong độ tuổi dậy thì, từ 13-18 tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh khá cao. Mụn có thể giảm dần sau khi bước qua tuổi dậy thì, tuy nhiên nếu mụn không được điều trị sẽ gây viêm nhiễm, tái phát nhiều lần và để lại những tổn thương trên da như sẹo mụn, vết thâm, gây mất thẩm mỹ.

Có nhiều nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì có thể do gen, nội tiết tố, mỹ phẩm, thuốc… Bệnh sinh của trứng cá bao gồm: tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ gây tăng tiết dưới tác động của hóc môn androgen, tăng sừng hóa đoạn cổ nang lông gây bít tắc lỗ chân lông, sự cư trú và hoạt động của vi khuẩn C.acnes và quá trình viêm.

Nhiều bạn ở độ tuổi này bắt đầu dùng mỹ phẩm, trang điểm nhưng lại chưa quen với những bước làm sạch da mặt chuẩn khoa học khiến lớp cặn trang điểm, bụi bẩn sẽ không được loại bỏ hoàn toàn mà tích tụ bên trong lỗ chân lông gây bít tắc, viêm nhiễm và hình thành mụn.

Ngoài ra, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, thức khuya, ít vận động, căng thẳng học hành, ăn nhiều đồ ngọt,… cũng có thể làm tăng phản ứng viêm của da, khiến mụn xuất hiện nhiều hơn.

3 cách chăm sóc và điều trị da mụn ở tuổi dậy thì

Ở tuổi dậy thì, da rất dễ bị mụn, nhạy cảm và dễ kích ứng. Vì vậy, chăm sóc da ở giai đoạn này nên được tối giản để giảm thiểu khả năng gây bít tắc và kích ứng.

Thông thường, chu trình chăm sóc da mụn ở tuổi dậy gồm 3 bước cơ bản: Làm sạch, điều trị mụn và chăm sóc da.

Làm sạch da

Rửa mặt sạch sẽ bằng sữa rửa mặt dành cho da dầu mụn để loại bỏ dầu nhờn dư thừa, tế bào da chết và vi khuẩn, bụi bẩn là điều quan trọng để kiểm soát mụn. Chỉ rửa mặt bằng sữa rửa mặt tối đa 1-2 lần/ngày, để tránh bị khô và kích ứng da.

Điều trị mụn

Mụn là một bệnh lý cần được điều trị. Nên thăm khám và điều trị mụn theo chỉ định của bác sĩ da liễu. Lưu ý việc nặn mụn sẽ được chỉ định bởi bác sĩ khi cần thiết và sẽ được thực hiện tại cơ sở y tế. Việc tự ý nặn mụn không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh có thể sẽ gây viêm nhiễm, lây lan vi khuẩn, làm nặng tình trạng mụn và còn có thể gây sẹo vĩnh viễn trên da.

Chăm sóc da

Trong quá trình điều trị mụn, một số thuốc thoa có thể gây tác dụng phụ như khô da, bong tróc và kích ứng da. Trường hợp da kích ứng, nên bổ sung thêm thoa kem dưỡng ẩm dành cho da dầu mụn để giúp bổ sung độ ẩm cần thiết, làm giảm kích ứng da.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thanh-nien-16-tuoi-o-phu-tho-nhap-vien-mat-sung-phu-do-sai-lam-khi-cham-soc-da-nhieu-ban-tre-viet-mac-phai-172241122075651163.htm
Zalo