THÀNH LẬP HUYỆN ĐẠ HUOAI MỚI : Hướng đến một vùng sản xuất nông nghiệp sạch
Trong quy hoạch tỉnh của Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đạ Huoai mới sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.
• HUYỆN CÓ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ NHIỀU NHẤT TỈNH
Với việc sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh vào huyện Đạ Huoai, như vậy huyện Đạ Huoai mới hiện có diện tích tự nhiên 1.448,48 km2, quy mô dân số 146.064 người.
Cùng với việc sáp nhập huyện, các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trong huyện Đạ Huoai mới cũng có sự sắp xếp. Trong đó nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 32,15 km2, quy mô dân số 3.106 người của xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị. Sau khi nhập, xã Quảng Trị có diện tích tự nhiên là 86,51 km2 và quy mô dân số là 6.380 người.
Xã Bà Gia được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 38,53 km2, quy mô dân số 2.156 người của xã Đoàn Kết và toàn bộ diện tích tự nhiên 92,98 km2, quy mô dân số 4.344 người của xã Đạ P’loa. Sau khi thành lập, xã Bà Gia có diện tích tự nhiên 131,51 km2 và quy mô dân số 6.500 người.
Xã Phước Lộc sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 80,83 km2, quy mô dân số 3.540 người vào xã Hà Lâm. Sau khi nhập, xã Hà Lâm có diện tích tự nhiên 124,21 km2 và quy mô dân số 7.743 người.
Cùng đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Đạ Tồn là 45,12 km2, quy mô dân số là 1.660 người của xã Đạ Tồn vào xã Đạ Oai. Sau khi nhập, xã Đạ Oai có diện tích tự nhiên là 68,39 km2 và quy mô dân số là 5.908 người.
Như vậy, huyện Đạ Huoai mới có 23 ĐVHC cấp xã, là đơn vị cấp huyện có nhiều ĐVHC cấp xã nhất tại Lâm Đồng, trong đó có 18 xã gồm An Nhơn, Bà Gia, Đạ Kho, Đạ Lây, Đạ Oai, Đạ Pal, Đồng Nai Thượng, Đức Phổ, Gia Viễn, Hà Lâm, Mađaguôi, Mỹ Đức, Nam Ninh, Phước Cát 2, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quốc Oai, Tiên Hoàng cùng 5 thị trấn gồm Đạ M’ri, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Mađaguôi, Phước Cát.
• KẾT NỐI ĐÔNG NAM BỘ
Theo Quyết định số 1727/QĐ-TTg ban hành ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh), huyện Đạ Huoai mới thuộc Tiểu vùng III của tỉnh Lâm Đồng.
Trong Quy hoạch này, Lâm Đồng chia thành 3 tiểu vùng, trong đó Tiểu vùng I gắn với cao nguyên Lang Biang gồm: Đà Lạt (sáp nhập Lạc Dương), Đức Trọng, Đơn Dương và một phần Lâm Hà, là vùng trọng điểm có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Tiểu vùng II gắn với cao nguyên Di Linh bao gồm: Di Linh, Đam Rông, phần lớn Lâm Hà với thị trấn Di Linh là hạt nhân của vùng, là vùng sản xuất cây công nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.
Riêng Tiểu vùng III gắn với cao nguyên Bảo Lộc bao gồm: Bảo Lộc, Bảo Lâm và huyện Đạ Huoai mới hiện nay, trong đó, TP Bảo Lộc là hạt nhân của tiểu vùng. Tiểu vùng III được xác định là vùng kinh tế, động lực phía Tây Nam của Lâm Đồng, là đầu mối kết nối phát triển kinh tế - xã hội với các huyện trong tỉnh, với khu vực Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; là vùng trọng tâm của tỉnh về phát triển du lịch sinh thái cảnh quan rừng, du lịch hỗn hợp, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí có cá cược; phát triển ngành công nghiệp chế biến bauxit - alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, công nghiệp năng lượng, vùng sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp chất lượng cao như điều, sầu riêng, cao su...
Quy hoạch cũng chia Lâm Đồng thành 3 vùng liên huyện gồm vùng liên huyện Đông - Bắc (thuộc Tiểu vùng 1); vùng liên huyện trung chuyển (thuộc Tiểu vùng II) và vùng liên huyện Tây - Nam (thuộc Tiểu vùng III). Theo đó, huyện Đạ Huoai mới (cùng với Bảo Lộc, Bảo Lâm) thuộc vùng liên huyện Tây - Nam của tỉnh.
Trong Tiểu vùng III, Bảo Lộc được xác định là đô thị trung tâm. Tiểu vùng III có một lợi thế địa lý rất lớn khi nằm lân cận với các vùng kinh tế lớn của các tỉnh, thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.
Trong định hướng phát triển, Bảo Lộc, đô thị hạt nhân của tiểu vùng, có nhiệm vụ tạo động lực chính về phát triển kinh tế cho cả vùng phía Nam Lâm Đồng. Còn huyện Đạ Huoai mới trở thành phân vùng phía Nam trong Tiểu vùng III với vai trò phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp, kết nối Tiểu vùng III nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung với khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, du lịch thể thao chất lượng cao (nghỉ dưỡng, golf, đua ngựa, đua chó,...), dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái rừng.
Trong xây dựng vùng huyện, Quy hoạch cũng nêu rõ vùng huyện Đạ Huoai mới (vùng đất từ các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên sáp nhập vào) là cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng; thuộc vùng kinh tế động lực phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng; là vùng đệm của TP Bảo Lộc trong quy hoạch Vùng III của tỉnh. Huyện mới trong phát triển cần phát huy các lợi thế đang có về đất đai và con người, khai thác hiệu quả lợi thế do đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đem lại. Huyện Đạ Huoai mới trong định hướng là trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh, thuộc vùng bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, vườn Quốc gia Cát Tiên; phát triển trồng trọt và chăn nuôi chất lượng cao, hướng đến hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.
Huyện Đạ Huoai mới cần khai thác các thế mạnh từ rừng và đất rừng hiện có hiện nay để phát triển du lịch sinh thái cảnh quan rừng, du lịch hỗn hợp, danh lam thắng cảnh, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, thương mại dịch vụ vui chơi giải trí có cá cược. Thị trấn Đạ Tẻh là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của huyện.