'Thành kính phân ưu' - một cách nói không đúng!

Trên mạng xã hội, mỗi khi gửi lời chia buồn tới bạn bè có người thân mới mất, nhiều người thường viết 'Thành kính phân ưu !', hay 'Thành kính chia buồn!'. Dần dà, cách nói này được sử dụng cả ngoài đời và thậm chí còn gắn cả trên vòng hoa viếng người đã khuất. Nghe qua thì dường như không có vấn đề gì, nhưng thực ra đây là cách diễn đạt, dùng từ rất tối nghĩa, nếu không nói là sai hoàn toàn.

Phân ưu 分憂 là từ Việt gốc Hán (phân 分 = chia; ưu 憂 = lo, buồn), đối dịch là “chia buồn”. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex) giải thích “phân ưu” là cách nói “trang trọng” với nghĩa “chia buồn với gia đình có tang”, và lấy ví dụ “Quan phủ và quan Bố xin cáo thoái ra về, sau khi có vài lời phân ưu theo thói quen (Vũ Trọng Phụng)”.

Thực ra, “phân ưu”, hay “chia buồn” không chỉ được dùng với nghĩa cụ thể là “chia buồn với gia đình có tang”.

Hán điển và Hán ngữ đại từ điển giảng giải thích “phân ưu” 分憂 là: “chia sẻ nỗi lo buồn với người khác, giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn; như “Vị quốc phân ưu” (nguyên văn 分憂: 分擔別人的憂慮,幫助別人解決困難; 為國分憂).

Từ điển Hán-Việt (Phan Văn Các chủ biên - 2014) giảng phân ưu 分憂 là “Chia sẻ nỗi lo lắng/giúp giải quyết khó khăn” và lấy ví dụ 分憂解愁 - phân ưu giải sầu - Chia lo, giải sầu/chia sẻ nỗi lo âu. 為國分憂 - vị quốc phân ưu - Chia sẻ nỗi lo vì đất nước”.

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “phân ưu • đt. Chia sớt sự buồn rầu với người ta, lời xã-giao: Tỏ lời phân-ưu”.

Vì “phân ưu”, hay “chia buồn” không chỉ dùng cho chuyện tang ma, nên người ta vẫn nói xin chia buồn với ông (bà, anh, chị...) trước một tai nạn, hay tổn thất về tài sản nào đó.

Trở lên là chuyện của từ điển. Sau đây xin trở lại với cái sai của câu “Thành kính phân ưu”, “Thành kính chia buồn”.

Điều trước tiên chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, đã gọi là “phân ưu”, “chia buồn”, “an ủi”,... thì đây là những lời lẽ, cử chỉ dành cho tang quyến (người sống) chứ không phải dành cho người đã chết. Bởi thế phải nói là “Chân thành chia buồn”, hoặc “Thành thật chia buồn”, “Chia buồn sâu sắc”,... mới đúng; còn “thành kính” là dành cho người đã khuất, nên muốn tỏ cái lòng thành kính, tiếc thương ấy, thì phải là “Thành kính tiễn đưa”, “Thành kính bái biệt”, hoặc “Vô cùng thương tiếc”, chứ không thể nói là “Thành kính phân ưu”, “Thành kính chia buồn”. Không ai đi “chia buồn” với người chết cả!

Rõ ràng ở đây có sự nhầm lẫn, hoặc đánh đồng nghĩa của “chân thành”, “thành thật” (sự chia sẻ mất mát xuất phát tự đáy lòng dành cho tang quyến) với “thành kính” (thành tâm và kính cẩn, dành cho người đã chết).

Đáng chú ý, hiện nay nhiều người còn nhầm lẫn (hoặc đánh đồng) giữa “phân ưu”/“chia buồn” với “viếng” hoặc “kính viếng”. Bởi vậy, dòng chữ “Kính viếng hương hồn” ở dải băng gắn trên vòng hoa đám ma trước đây, đã bị thay bằng “Thành kính phân ưu”, “Thành kính chia buồn”.

Như đã nói ở trên, “phân ưu”, hay “chia buồn” là sự chia sẻ đau thương, mất mát, an ủi, động viên dành cho người còn sống, chứ không phải “nói” với người chết; còn vòng hoa là để viếng người chết, chứ không phải dành cho người sống. Bởi vậy không thể dán cái dải băng có hai chữ “phân ưu”/"chia buồn” dành cho người sống lên vòng hoa của người đã chết được. Trải hàng trăm, hàng ngàn năm qua người Việt không ai nói và làm trái khoáy như thế.

Đành rằng, việc “phân ưu”, “chia buồn” và “viếng”, “điếu tang” thường diễn ra cùng lúc. Đến “viếng” người chết, hay có mặt trong đám tang, đã là một cách chia buồn với người sống. Ngược lại, nói lời “phân ưu”, “chia buồn” với người sống, cũng là thể hiện lòng thương cảm đối với người chết. Tuy nhiên, khi nói và viết, phải phân biệt rạch ròi “phân ưu”, “chia buồn” (an ủi, chia sẻ nỗi đau với người sống), còn “điếu”, “kính viếng” (thành kính dâng hương, bái lạy, thể hiện lòng xót thương người đã chết).

Như vậy, trong tiếng Việt dù đã có câu “Thành thật chia buồn”, “Chân thành chia buồn”, “Chia buồn sâu sắc”,... rất thông dụng, chính xác, giản dị, dễ hiểu, nhưng gần đây nhiều người lại sính chữ, thích dùng “phân ưu”, “Thành kính phân ưu” để thay thế; đang viết “kính viếng”, hay “Vô cùng thương tiếc” rất đúng, bỗng dưng lại thay bằng “Thành kính chia buồn”, “Thành kính phân ưu”, tối nghĩa đến vô nghĩa, thậm chí sai hoàn toàn. Lối nói nửa nọ nửa kia đó khiến ta không biết đích xác là hướng tới đối tượng nào, người sống hay người chết. Và điều quan trọng là dù dành cho người sống hay người chết đều sai.

Như vậy, để tỏ lòng thành kính, thương tiếc với người đã mất thì nên nói và viết “Thành kính tiễn đưa”, hay “Thành kính bái biệt”, “Vô cùng thương tiếc”; còn chia sẻ mất mát đau thương với người sống thì phải dùng “Thành thật chia buồn”; “Chân thành chia buồn”, “Chia buồn sâu sắc nhất”,... mới đúng.

Hoàng Tuấn Công (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thanh-kinh-phan-uu-nbsp-mot-cach-noi-khong-dung-32960.htm
Zalo