Thanh khoản thị trường tích cực trên HNX lẫn UPCoM trong tháng 4

Trong tháng 4, dù thị trường chịu một đợt giảm giá những phiên đầu tháng song các con số về khối lượng giao dịch cho thấy, thanh khoản vẫn tăng hơn 37% trên HNX và tăng hơn 13% trên UPCoM.

Tháng 4/2025, thanh khoản tăng mạnh trên HNX

Tổng kết tháng 4/2025, thị trường cổ phiếu niêm yết HNX có phiên giảm điểm mạnh từ đầu tháng sau thông tin Mỹ áp thuế 46% lên hàng Việt. Sau đó với các phiên hồi phục nhẹ và duy trì diễn biến dao động trong biên độ hẹp cho đến cuối tháng, HNX-Index đóng cửa ở mức 211,94 điểm, giảm 9,83% so với tháng trước.

Tuy nhiên thanh khoản thị trường lại tăng mạnh với khối lượng giao dịch bình quân đạt 89,4 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 37,5% so với tháng trước, cùng với đó giá trị giao dịch bình quân tháng 4/2025 cũng tăng 17,7% đạt 1.350 tỷ đồng/phiên.

Giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX30 chiếm tỷ trọng 64,96% về khối lượng và 76,15% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Về thanh khoản, cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường tiếp tục là SHS. So với tháng 03/2024, cổ phiếu SHS có khối lượng giao dịch tăng mạnh với mức tăng lên tới 31,2%, đạt 391 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 21,35% toàn thị trường. Tiếp theo là cổ phiếu CEO có tỷ trọng 9,04% và cổ phiếu PVS chiếm tỷ trọng 6,14%.

Về giá giao dịch, tăng giá mạnh nhất là mã chứng khoán NFC của CTCP Phân lân Ninh Bình với giá đóng cửa cuối tháng tăng 54,74% lên 42.400 đồng/cổ phiếu. Đứng thứ 2 là cổ phiếu SMT của CTCP SAMETEL với mức tăng 35,29%. Các mã cổ phiếu gồm THS của CTCP Thanh Hoa - Sông Đà và KHS của CTCP Kiên Hùng cũng có mức tăng trên 34%, nằm trong nhóm những cổ phiếu có thị giá tăng mạnh nhất.

Trong tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường cổ phiếu niêm yết HNX với giá trị bán ròng hơn 439,3 tỷ đồng, trong đó giá trị mua vào hơn 1.211 tỷ đồng và bán ra hơn 1.651 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng 23% so với tháng trước. Cổ phiếu SHS tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất với khối lượng mua vào 12,1 triệu cổ phiếu, xếp vị trí thứ 2 là cổ phiếu CEO với khối lượng mua vào hơn 8,8 triệu cổ phiếu. Ở chiều bán ra, IDC và PVS bị bán mạnh nhất với khối lượng bán lần lượt là 16,6 triệu cổ phiếu và 13,9 triệu cổ phiếu.

Hoạt động tự doanh cổ phiếu niêm yết tại HNX của các công ty chứng khoán thành viên giảm 69% so với tháng trước, với giá trị giao dịch hơn 267 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,1% toàn thị trường), trong đó khối này bán ròng với giá trị hơn 201,9 tỷ đồng.

Trong tháng 4/2025, thị trường cổ phiếu niêm yết HNX có 311 doanh nghiệp niêm yết với tổng giá trị niêm yết đạt hơn 166,8 nghìn tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường tại phiên giao dịch cuối tháng đạt hơn 345,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng 3/2025.

Khối lượng giao dịch bình quân tăng 13,34% trên UPCoM

Thị trường UPCoM tháng 4/2025 có diễn biến tương tự như thị trường cổ phiếu niêm yết, sụt giảm mạnh vào đầu tháng, sau đó nhanh chóng phục hồi nhẹ và đi ngang cho đến hết tháng. Chỉ số UPCoM-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng đạt 92,42 điểm, giảm 5,74% so với cuối tháng trước. Khối lượng giao dịch bình quân tăng 13,34% so với tháng 3, đạt hơn 61,35 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân tăng 11,27%, đạt hơn 803,24 tỷ đồng/phiên.

Về thanh khoản, cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên UPCoM với 118,93 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 9,69% toàn thị trường, đây là cổ phiếu liên tục có thanh khoản cao nhất thị trường UPCoM trong vòng 6 tháng trở lại đây. Cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt từ vị trí thứ 3 trong tháng trước đã vươn lên vị trí thứ 2 với tỷ trọng 5,9% tương ứng khối lượng giao dịch đạt hơn 72,36 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là cổ phiếu SBS của CTCP Chứng khoán SBS với KLGD đạt hơn 56,7 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 4,62%.

Về giá giao dịch, tăng giá mạnh nhất trong tháng là mã chứng khoán FRM của CTCP Lâm Nghiệp Sài Gòn với giá đóng cửa 12.400 đồng, tăng 202,44% so với tháng trước. Cổ phiếu TIN của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt cũng tăng tới 105,2%. Ngoài ra, trong nhóm tăng giá mạnh nhất còn có CTX của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam, CMM của CTCP Camimex, DCG của CTCP Tổng Công ty May Đáp Cầu.

Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên UPCoM tăng mạnh hơn 99% so với tháng trước và tiếp tục xu hướng bán ròng với giá trị hơn 657 tỷ đồng, trong đó giá trị bán ra 1.299 tỷ đồng, mua vào hơn 642 tỷ đồng.

Cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất là ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, tiếp sau đó là cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Ở chiều bán, QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi tiếp tục là cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều nhất với KLGD hơn 8,73 triệu cổ phiếu.

Giao dịch tự doanh các công ty chứng khoán có tổng giá trị giao dịch đạt hơn 428,17 tỷ đồng, giảm 3,85% so với tháng trước, trong đó các công ty chứng khoán tiếp tục bán ròng trên UPCoM với giá trị mua vào là 105,35 tỷ đồng và bán ra 322,76 tỷ đồng, bán ròng 217,4 tỷ đồng.

Thị trường UPCoM trong tháng 3 đón nhận thêm 3 doanh nghiệp đăng ký giao dịch mới và có 1 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch để niêm yết cổ phiếu tại HOSE. Tại thời điểm cuối tháng 4/2025, thị trường UPCoM có 888 doanh nghiệp, tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 534 nghìn tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường tại ngày cuối tháng đạt hơn 1.360 nghìn tỷ đồng, giảm 4,26% so với tháng trước.

M.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thanh-khoan-thi-truong-tich-cuc-tren-hnx-lan-upcom-trong-thang-4-d279906.html
Zalo