Thanh Hóa yêu cầu khẩn trương ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành Công điện số 16 về tăng cường lãnh, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra, khẩn trương thống kê thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Tại huyện Quan Hóa, mưa lũ làm sạt lở taluy gây thiệt hại nhà ở của 51 hộ dân, trong đó có 2 nhà phải tháo dỡ cấu kiện, di dời khẩn cấp. Điểm Trường trung học cơ sở bán trú tại bản Éo, xã Phú Xuân bị ta-luy dương sạt xuống 165m3 đất đá làm sập nhà bếp, bể nước sinh hoạt, tường nhà hiệu bộ; điểm Trường trung học cơ sở Thành Sơn và nhà văn hóa bản Sơn Thành bị 160m3 đất, đá từ ta-luy dương xuống công trình công cộng.
Từ ngày 20-23/9, Đồn Biên phòng Hiền Kiệt cử 20 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền và Công an, dân quân xã Hiền Kiệt tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di dời người, tài sản đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở; làm rào chắn và kiểm soát người, phương tiện qua lại các đập tràn; kịp thời giúp đỡ, động viên nhân dân trên địa bàn khắc phục các thiệt hại, ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt và sản xuất.
Trên Quốc lộ 15C, 16 lên huyện vùng cao Mường Lát tiếp tục phát sinh nhiều điểm sạt lở thuộc các xã: Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Mường Lý, thị Trấn Mường Lát. Đường giao thông nhánh số 5 từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh cũng bị sạt lở nhiều điểm.
Theo tổng hợp, trên các tuyến quốc lộ ủy thác cho tỉnh Thanh Hóa phát sinh sạt lở ta-luy, sa bồi mặt đường, rãnh dọc tại 183 vị trí, tổng khối lượng 60.009m3, gây tắc đường tại 7 vị trí. Tuyến đường liên xã bị sạt lở tại 67 điểm, hư hỏng 10 cầu, tràn.
Đường giao thông từ bản Son đi bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị sạt lở taluy dương khối lượng 200 m3 tại Km0+200. Tuyến giao thông từ xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn đi sang huyện Quan Hóa bị sạt lở đất khoảng 500m3 tại Km9+100 thuộc bản Phụn.
Tại địa bàn thôn 7, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc xuất hiện hiện tượng nước tràn qua miệng cống Nổ, ngấm vào thân đê, mất an toàn đê sông Mã. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa huy động 100 cán bộ, chiến sĩ và Công an tỉnh tăng cường lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy cùng Công an huyện Vĩnh Lộc và Công an các xã dốc sức vận chuyển đất, đá, vật liệu, điều hành phương tiện cơ giới gia cố và đã cơ bản xử lý sự cố tình trạng nước thấm qua chân đê vào sáng 24/9.
Theo báo cáo, các lực lượng vũ trang trong tỉnh Thanh Hóa đã điều động gần 2.200 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân ứng phó, hỗ trợ sửa nhà cửa, khôi phục sản xuất nông nghiệp, dọn dẹp sạt lở đất trên các tuyến đường, điều tiết giao thông, canh gác tại các ngầm tràn,...
Theo Công điện số 16, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các Công điện của Trung ương, của Tỉnh; phân công các đồng chí lãnh đạo huyện, các phòng, ban, đơn vị có liên quan trực tiếp xuống địa bàn các xã, phường, thị trấn để theo dõi, nắm chắc diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước trên địa bàn.
Các địa phương có đê khẩn trương chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn phân công, tổ chức lực lượng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ phận chuyên trách quản lý đê điều của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn để triển khai công tác tuần tra, canh gác đê, bảo vệ đê ngay khi có báo động lũ từ cấp I trở lên; phát hiện, báo cáo kịp thời các hư hỏng, sự cố có nguy cơ đe dọa an toàn của công trình để tổ chức khắc phục, xử lý ngay từ những giờ đầu, bảo đảm tuyệt đối an toàn các công trình đê điều...