Thanh Hóa xét nghiệm người dân thuộc diện di dời để chống bão số 5 trước 18h ngày 10/9
Tại tỉnh Thanh Hóa, các lực lượng chức năng, địa phương đang khẩn trương triển khai phương án, cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kép, là phòng chống bão số 5, thu hoạch vụ mùa, nhưng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Phấn đấu trước 18h chiều nay (9/10), hoàn thành xét nghiệm đối với người dân thuộc vùng có nguy cơ cao sạt lở, ngập lụt thuộc diện di dời.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, toàn tỉnh có gần 6.700 phương tiện nghề cá, với gần 25.000 lao động. Đến đầu giờ sáng nay đã có hơn 6.000 phương tiện, với 21.000 lao động về bến neo đậu an toàn, hiện còn gần 600 phương tiện đang hoạt động trên biển. Số phương tiện trên đã nắm được thông tin về bão Côn Sơn, thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương 2 lần/ngày.
Trung tá Lê Anh Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sầm Sơn (Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa) cho biết, hiện đồn đang huy động lực lượng để hướng dẫn, bố trí sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đảm bảo an ninh, trật tự cũng như đảm bảo an toàn phòng chống dịch: "Đối với phương tiện nhập lạch phải kiểm tra đảm bảo an toàn, kiểm soát tình trạng nhập cảnh trái phép, người phát sinh, người từ vùng dịch trở về. Kiểm tra giám sát hành trình để phát hiện tàu thuyền ở khu vực vùng dịch trở về; đối với các thuyền viên phải kiểm tra thân nhiệt và khai báo lịch trình hoạt động, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh".
Đến thời điểm này, các địa phương tỉnh Thanh Hóa đã lên phương án sơ tán hàng nghìn hộ dân tránh trú bão. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc di dân vừa kịp thời nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Quảng Xương là huyện ven biển, nhiều nơi đang thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.
Hiện nay lượng tàu thuyền về tránh trú bão nhiều, các lực lượng chức năng một mặt hỗ trợ nhân dân nhưng cũng kiểm soát chặt chẽ người trở về. Về vấn đề sơ tán dân khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Đức Thịnh Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, khẩn trương hoàn thành test nhanh đối với người dân trong vùng nguy cơ cao ngập lụt, đã lên phương án sơ tán: "Chúng tôi đang chỉ đạo tiếp phương án phòng chống bão đối với khu vực mép nước, cần thiết phải di dân thì chiều nay phải cho test Covid-19, để khi bão ấp vào, di dân phải đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đặc biệt trong mùa lúa chín thì tranh thủ gặt hái nhưng đảm bảo an toàn phòng chống dịch, những địa phương đang phong tỏa thì phải có phương án hỗ trợ người dân thu hoạch lúa ngoài đồng".
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn số 5 có khả năng đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Thanh Hóa, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai vừa diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu, tất các ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung tối đa nhân, vật lực cho công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão; phải coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị. Đối với các hộ dân thuộc vùng có nguy cơ cao sạt lở, ngập lụt phải tiến hành cảnh báo, di dời sớm; đồng thời tổ chức xét nghiệm cho tất cả các công dân thuộc diện di dời, xét nghiệm xong trước 18h ngày 10/9./.