Thanh Hóa: Tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất chăn nuôi còn diễn ra ở một số địa phương
Tại kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa đã trả lời chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất chăn nuôi còn diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung trả lời chất vấn, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 671 cơ sở chăn nuôi, gồm: 595 cơ sở sản xuất, 76 trang trại là đối tượng lập hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Thanh Hóa. Có 1.960 cơ sở sản xuất chăn nuôi là đối tượng lập hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền cấp huyện và có khoảng 3.400 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không thuộc đối tượng lập hồ sơ môi trường nhưng có phát sinh tiếng ồn, khí thải, nước thải có thể gây ô nhiễm môi trường.
Trong năm 2023 - 2024 Sở TN&MT, UBND cấp huyện, cấp xã đã nhận và xử lý 147 phản ánh, kiến nghị từ người dân, cơ quan báo chí và đường dây nóng liên quan đến ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất chăn nuôi gây ra. Về nguyên nhân của thực trạng này là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về môi trường của một số cơ sở chưa cao, chưa nghiêm túc, còn tâm lý đối phó, năng lực cán bộ về môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, phương tiện trang thiết bị còn thiếu. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường.
Về trách nhiệm của Sở TN&MT: Công tác tham mưu, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chưa lường hết được mức độ phát thải cộng hưởng do nhiều trang trại trên cùng một địa bàn hoạt động đồng thời; công tác thanh tra, khiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên; công tác xử lý vi phạm hành chính về môi trường đôi khi chưa quyết liệt.
Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa Lê Sỹ Nghiêm cũng cho biết, giải pháp trong thời gian tới đối với vấn đề này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức; chú trọng các nội dung trong quy định mới và các hình thức xử lý đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục đôn đốc các cơ sở có phát sinh nước, khí thải với lưu lượng lớn và yêu cầu lắp đặt quan trắc tự động theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đề nghi cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, người dân đối với các cơ sở có hành vi gây ô nhiễm môi trường.