Thạnh Hòa Sơn chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu

Trong sản xuất nông nghiệp, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang là địa phương luôn chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu (BĐKH) như khô hạn, mặn xâm nhập... Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và hạn chế các tác động do BĐKH gây ra; xã đã tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất và quy hoạch vùng canh tác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương theo hướng luân canh 02 vụ lúa - màu; chuyên canh màu mùa khô (vụ đông - xuân).

Chị Thạch Thị Sa Mane (đứng giữa) phấn khởi nói về vụ đậu phộng trúng mùa nhờ chuyển đổi canh tác phù hợp trong điều kiện BĐKH.

Chị Thạch Thị Sa Mane (đứng giữa) phấn khởi nói về vụ đậu phộng trúng mùa nhờ chuyển đổi canh tác phù hợp trong điều kiện BĐKH.

Đồng chí Châu Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Sơn cho biết: những năm gần đây, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; thường thiếu nước và khô hạn từ tháng 02 đến tháng 6 hàng năm; nhất là đối với các diện tích canh tác lúa vụ 3 (vụ đông - xuân) ở cuối vụ thường gặp khó về nguồn nước. Từ thực tế trên, địa phương từng bước đầu tư nạo vét hệ thống kênh nội đồng và quy hoạch vùng sản xuất màu mùa khô, không sản xuất lúa vụ 3 ở 02 ấp Lạc Hòa và Cầu Vĩ; đối với các ấp có điều kiện và gần kênh trục chính sản xuất lúa vụ 3 ở Lạc Sơn, Lạc Thạnh A…

Hàng năm, nông dân xã Thạnh Hòa Sơn xuống giống khoảng 1.900ha màu các loại và trên 1.000ha lúa; trong đó, màu mùa khô chiếm trên 80% diện tích và lúa vụ 3 khoảng 500 - 700ha. Trong 03 tháng đầu năm 2025, nông dân trong xã xuống giống gần 500ha màu mùa khô, nhờ chủ động triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thích ứng trong điều kiện sản xuất trước BĐKH, các hộ sản xuất màu và lúa ở Thạnh Hòa Sơn đạt kết quả rất khả quan.

Anh Nguyễn Văn Thắng, ấp Lạc Hòa cho biết: gia đình có 0,4ha đất được sản xuất 02 vụ lúa + 01 vụ màu mùa khô. Riêng vụ màu năm nay gia đình trồng 0,3ha ớt và 0,1ha cà chua, do tình hình khô hạn và nguồn nước tưới gặp khó, gia đình đã trữ nước theo hình thức đào ao và lót vải bạt (chứa khoảng 400 - 500m3 nước) để tưới màu, thời điểm này sản xuất lúa vụ 3 ở cánh đồng này rất khó do nguồn nước không đủ. Vụ màu mùa khô, hiện giá bán khá cao, bình quân cho thu nhập hơn 25 triệu đồng/1.000m2.

Chị Thạch Thị Sa Mane, cùng ngụ ấp Lạc Hòa phấn khởi cho biết: Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây năm nay gia đình rất vui và có sự chuẩn bị tốt hơn, nhờ gia đình làm ăn khá thuận lợi, sản xuất có 0,5ha trồng màu (trong đó, 0,4ha trồng đậu phộng và 0,1ha trồng ớt), giá đậu phộng 16.000 đồng/kg và đạt năng suất 10 tấn/ha, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha; còn giá ớt cũng khá cao, dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, gia đình thu vào trên 250 triệu đồng/ha ớt.

Cũng theo chị Thạch Thị Sa Mane, năm 2023, gia đình được dự án phòng ngừa và ứng phó với BĐKH của Nauy (NMA-V) hỗ trợ sản xuất trồng màu để đầu tư mua máy bơm, hệ thống ống dẫn tưới tiết kiệm… Vì vậy, qua chuyển đổi sản xuất màu mùa khô, gia đình cũng được thuận lợi, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao và ổn định.

Để tiếp tục nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH, trong năm 2025, xã Thạnh Hòa Sơn đã triển khai thi công nạo vét 07 tuyến kênh nội đồng ở ấp Lạc Hòa, Lạc Sơn và Cầu Vĩ; xây dựng mô hình sinh kế nuôi gà đệm lót sinh học tại ấp Lạc Sơn từ nguồn vốn dự án NMA-V. Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh triển khai thi công sửa chữa cống Lạc Hòa đảm bảo việc chống rò rỉ mặn qua cống, phục vụ sản xuất trong mùa khô của người dân ở cánh đồng Lạc Hòa, Cầu Vĩ, Lạc Sơn…

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/thanh-hoa-son-chuyen-doi-san-xuat-theo-huong-thich-ung-bien-doi-khi-hau-44967.html
Zalo