Thanh Hóa sẽ cấm biển từ trưa 6/9
Chiều 5/9, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang thông tin: Thanh Hóa sẽ thực hiện cấm biển từ 12 giờ ngày 6/9.
Cùng ngày, các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa chủ động xuống các địa phương nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó với bão số 3.
Các thành viên ban chỉ đạo cùng lực lượng tại địa bàn đôn đốc thu hoạch diện tích lúa đã chín, kiểm đếm, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, công tác bảo đảm an toàn các trọng điểm xung yếu đê điều, hồ chứa, các công trình đang thi công dở dang.
Theo báo cáo nhanh, tính đến 9 giờ 30 phút ngày 5/9, tỉnh Thanh Hóa còn 882 phương tiện với 5.350 lao động đang hoạt động trên biển. Ngoài 407 phương tiện,1.083 lao động hoạt động trên vùng biển trong tỉnh Thanh Hóa; có 225 phương tiện, 2.051 lao động đang hoạt động ở vùng biển tỉnh Quảng Ninh; 140 phương tiện, 1.716 lao động ở Hải Phòng; 80 phương tiện, 275 lao động ở Nam Định; 24 phương tiện,165 lao động ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và có 6 phương tiện, 60 lao động hoạt động ở nam Biển Đông.
Nhân lực trên tất cả các phương tiện đang hoạt động đã nắm được thông tin về bão số 3, thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình, chính quyền địa phương.
Đến thời điểm này các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã thu hoạch 10.069,2ha lúa, đạt gần 9%, thu hoạch 861,9ha ngô đạt gần 7%, 1.800,4ha rau đậu, đạt gần 13% diện tích gieo trồng mỗi loại.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã hoàn thành bố trí, sắp xếp ổn định nơi ở an toàn cho 282 hộ dân tại 4 khu tái định cư tập trung và 3 khu tái định cư liền kề.
Chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương tuyến biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú.
Quản lý chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền tại nơi neo đậu. Chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, khách du lịch lưu trú trong thời gian bão đổ bộ.
Vùng đồng bằng và duyên hải chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công, các vị trí bờ biển đang có diễn biến sạt lở, xâm thực trong tháng 8 vừa qua như khu vực Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ huyện Hoằng Hóa; cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao, hệ thống lưới điện.
Các địa phương cùng nông dân chủ động thu hoạch diện tích lúa đã chín, rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Vùng thượng du Thanh Hóa chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, thực thi biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, hồ chứa đang thi công dở dang.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.