Thanh Hóa: Nhộn nhịp làng nuôi cá chép đỏ ngày cuối năm
Những ngày cuối năm, người dân làng Tân Trúc, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) lại nhộn nhịp cảnh mua bán cá chép đỏ phục vụ cho ngày Tết ông Công ông Táo.
Làng cá hơn 60 nămtuổi
Theo người dân nơi đây, nghề nuôi cá giống được bắt đầu từ những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Khi đó người dân chủ yếu nuôi các loại cá giống như trắm, mè, chép, rô phi… để bán cho người chăn nuôi cá thương phẩm. Từ một vài hộ thuở sơ khai, đến nay đã có hàng trăm hộ chăn nuôi cá giống, không những thế, mô hình này đã được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến thăm quan và học hỏi.
Người dân Việt Nam có truyền thống văn hóa cúng tiễn cá chép vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm để tiễn ông Công ông Táo về báo công với Ngọc Hoàng. Vì vậy, người dân làng Tân Trúc đã kết hợp nuôi cá chép cùng các loại cá giống khác, theo thời gian, cá chép đỏ trở thành mặt hàng chính của làng cá nơi đây.
Cá chép đỏ được nuôi từ tháng 7 hằng năm, chủ yếu là cá bột. Một cốc cá bột khoảng hai vạn con, nuôi đạt sẽ cho 1,5 vạn cá hương, sau đó sẽ chuyển ra các ao nhỏ, đến lúc thu hoạch một nghìn cá hương sẽ cho sản lượng trên một tạ cá chép thả. Với 25 năm kinh nghiệm nuôi cá, chị Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Gia đình tôi thả 3000 cá hương, đến lúc thu hoạch được hơn một tạ rưỡi cá. Do gia đình nuôi kèm các loại cá giống khác nên sản lượng không đạt tối ưu nhưng so với trồng lúa, nuôi cá đem lại thu nhập gấp 5 đến 7 lần”.
Vào dịp cuối năm, từ 15 tháng 12 Âm lịch trở đi, người dân Tân Trúc bắt hút ao, kéo lưới để bắt cá cho vào các bể hoặc lồng nuôi để cho thương lái các nơi (từ Đà Nẵng đổ ra) đến thu mua.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương cho biết: “Hiện nay cả xã có khoảng 155 hộ nuôi cá, tăng hơn so với năm ngoái, trong đó riêng làng Tân Trúc có hơn 80 hộ nuôi cá chép đỏ. So với năm ngoái, sản lượng cá năm nay ít hơn, ước tính khoảng 18,5 tấn. Điều đáng mừng là tính đến sáng ngày 22 tháng Chạp, hầu như toàn bộ số lượng cá đã được thương lái trong và ngoài tỉnh đặt mua hết với giá dao động từ 110.000 đến 120.000đ/kg”.
Còn nhiều khó khăn để gọi “làng nghề”
Tôi tìm về làng Tân Trúc những ngày cuối năm, nơi đây bà con đang dầm mình dưới ao hồ để kéo lưới bắt cá. Những gương mặt lấm lem bùn đất nhưng vẫn giữ được sự phấn khởi vì thành quả lao động của mình đã đến lúc thu hoạch.
Là một trong những gia đình đầu tiên chăn nuôi cá, ông Nguyễn Văn Loan cho biết: “Những năm đầu, chúng tôi chủ yếu nuôi cá giống các loại chứ không riêng gì cá chép. Nhận thấy nhu cầu thả cá chép ngày 23 tháng Chạp hàng năm, gia đình tôi bắt đầu chuyển sang cá chép đỏ để phục vụ nhu cầu của bà con”.
Gắn bó cả cuộc đời với con cá giống, ông Loan là người hiểu rõ nhất chặng đường hình thành và phát triển của nghề nuôi cá nơi đây. Có rất nhiều gia đình, địa phương trong và ngoài tỉnh đến thăm quan mô hình nhưng không phải ai cũng thành công. Ở làng Tân Trúc có một điều kiện trời ban đó là nguồn nước tự nhiên phù hợp với việc nuôi cá giống mà không phải nơi đâu cũng có được.
Vấn đề ông Loan cũng như người dân nuôi cá nơi đây sợ nhất là mưa bão, vì khi đó cá đang còn nhỏ, mùa mưa rất dễ mắc bệnh nấm. Có những năm bệnh nấm đã làm chết sạch cá khiến bao gia đình trắng tay. Có nhiều hộ đã chuyển nhượng diện tích hoặc không nuôi cá nữa. Đến nay, số hộ nuôi cá đã giảm đi so với các năm trước nên sản lượng cũng thấp hơn phần vì lao động nữ đi công ty đỡ vất vả hơn, phần nữa lao động trẻ đi học xong sau đó làm ăn xa.
Đây cũng là điều trăn trở của chính quyền thị trấn Tân Phong, khi địa phương đã có định hướng phát triển các hộ chăn nuôi ở làng Tân Trúc thành làng nghề nuôi cá nước ngọt nhưng chưa thành. Theo 1 lãnh đạo thị trấn Tân Phong, dù địa phương đã tạo rất nhiều điều kiện như thuê đất, dồn điền đổi thửa, nâng cấp đường, điện nhưng vẫn chưa đủ điều kiện các hộ nuôi để công nhận là làng nghề. Dù vậy chính quyền sẽ luôn đồng hành cùng bà con để giữ nghề cũng như ghóp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.