Thanh Hóa khuyến cáo tra cứu nguồn gốc, mua, sử dụng thuốc theo đơn
Ngày 18/4, ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết: Các loại thuốc giả không xâm nhập hệ thống các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh và chuyển tải thông điệp tới bệnh nhân, nhân dân nên mua, sử dụng thuốc theo đơn kê, hướng dẫn của bác sĩ.

Một góc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, qua nắm tình hình trên không gian mạng, lập án đấu tranh với đường dây sản xuất thuốc, buôn bán thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh giả quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ; huy động lực lượng, phối hợp khám xét khẩn cấp nơi sản xuất, làm việc, cất giấu hàng hóa của các đối tượng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp.
Cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả.

Một số loại thuốc giả bị cơ quan chức năng thu giữ.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, lợi dụng thói quen tự kê đơn, mua các loại thuốc chữa bệnh, nhất là người cao tuổi muốn mua, sử dụng các loại thuốc có tác dụng chữa bệnh về xương khớp, đau nhức, tê bại với giá rẻ; nhóm đối tượng đã nghiên cứu các thành phần của thuốc, đầu tư mua thiết bị, máy móc cùng các loại nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu,... sau đó tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.

Công an kiểm tra, phát lộ sản phẩm tân dược giả.
Trong số 21 loại sản phẩm bị cơ quan công an thu giữ, có 4 loại giả thuốc tân dược là: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion; còn lại là 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược đóng trong 39.323 hộp, có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.
Kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu của Trung tâm kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho thấy, phần lớn hàm lượng trong các loại thuốc đông y giả là thuốc giảm đau.
Khi mua, sử dụng các loại thuốc giả có hàm lượng thuốc giảm đau, người bệnh cảm thấy hết đau ngay nên tin, tiếp tục mua phải thuốc giả sử dụng.
Với nhóm thuốc tây y giả, hiện chưa phát hiện dược tính độc hại, nhưng không có dược tính kháng sinh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.
Qua kiểm tra, rà soát, đến thời điểm này cơ quan quản lý nhà nước ở Thanh Hóa chưa phát hiện các sản phẩm thuốc giả mới bị cơ quan công an phát lộ, bắt giữ được lưu hành tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Tổ chức thiện nguyện cấp phát khẩu phần dinh dưỡng miễn phí cho bệnh nhân, người chăm sóc tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho hay, các sản phẩm do các đối tượng làm giả chủ yếu được bán trên mạng, tại kênh bán lẻ; không xâm nhập được hệ thống các bệnh viện công lập do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu.
Cơ quan chuyên môn và quản lý nhà nước ở Thanh Hóa khuyến cáo người dân nên mua thuốc ở các cơ sở uy tín, được cấp phép hoạt động, không nên mua thuốc trôi nổi, trên mạng xã hội.
Trước khi mua thuốc, cần chủ động tra cứu nguồn gốc; nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, buôn bán thuốc giả hãy báo ngay cho cơ quan y tế và các cơ quan chức năng có liên quan để xử lý.