Thanh Hóa: Cơ quan công an và ngành y tế từng phát hiện nhiều mẫu thuốc giả
Trước thời điểm triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả có quy mô toàn quốc, cơ quan công an và ngành y tế Thanh Hóa từng phát hiện nhiều mẫu thuốc giả trên thị trường.
Ngày 18/4, ông Nguyễn Bá Cẩn, Quyền Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa thông tin, hằng năm, để đảm bảo chất lượng thuốc, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch giao nhiệm vụ cho Trung tâm kiểm nghiệm Thanh Hóa triển khai công tác giám sát và lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng thuốc trên địa bàn.
Theo đó, trong năm 2024, Trung tâm kiểm nghiệm Thanh Hóa đã tiến hành kiểm nghiệm 1.012 mẫu thuốc hóa dược, thuốc từ dược liệu, dược liệu. Trong đó phát hiện 4 mẫu không đạt chất lượng; 8 mẫu là thuốc giả (trong đó 5 mẫu do Trung tâm kiểm nghiệm phát hiện, 3 mẫu do Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Tỉnh Thanh Hóa gửi đến) và 2 mẫu thuốc chưa được phép lưu hành (gồm 1 mẫu thuốc từ dược liệu + 1 mẫu thuốc hóa dược do Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Tỉnh Thanh Hóa gửi đến).

Nhiều loại thuốc giả được phát hiện trên thị trường
Ngoài ra, thông qua công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, Sở Y tế Thanh Hóa phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn đã thực hiện mua bán thuốc giả, thuốc không có giấy phép nhập khẩu, thuốc không có giấy đăng ký lưu hành. Sở Y tế đã tiến hành xử phạt các đối tượng có hành vi vi phạm nêu trên.
Cụ thể, năm 2024, xử phạt 7 cơ sở kinh doanh có hành vi mua bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 53.050.000 đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với 4 cá nhân.
Trong năm 2024, Sở Y tế đã cung cấp thông tin và tích cực phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây làm thuốc giả trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Cần Thơ và tỉnh Bến Tre để phân phối trên toàn quốc. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ các sản phẩm thuốc tân dược giả, gồm: 657 hộp thuốc Cefuroxim 500mg, 3.258 hộp thuốc Cefixim 200mg, 100 hộp thuốc Augxicine g, 100 hộp thuốc Panadol Extra, 724 hộp thuốc Panactol dạng vỉ nén, 1.080 lọ thuốc Panactol cùng nhiều nguyên liệu, nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất thuốc tân dược giả.
“Hiện nay, Sở Y tế Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa để kiểm tra chất lượng một số sản phẩm của vụ án và chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thuốc, thực hiện nghiêm các quy định về nguồn gốc xuất xứ, phòng chống thuốc giả”- Quyền Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Nguyễn Bá Cẩn thông tin.
Liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô toàn quốc, trao đổi nhanh với PV Tiền Phong, thiếu tá Tống Đình Xuân, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong số 14 đối tượng bị khởi tố bị can, có 3 đối tượng ở Thanh Hóa có bằng trung cấp dược, chứng chỉ hành nghề dược bị khởi tố về hành vi buôn bán thuốc giả từ đường dây sản xuất thuốc giả trên. Quá trình điều tra, tại Thanh Hóa, cơ quan công an đã điều tra, phát hiện tại 12 quầy thuốc, tài khoản facebook bán loại thuốc giả trên.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, mở rộng.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả do là Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Chung cư Hapulico, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; trú quận Bình Tân, TP HCM) cầm đầu. Lực lượng chức năng đã khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hóa của ổ nhóm trong đường dây sản xuất thuốc giả trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp. Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả công an thu giữ được gần 10 tấn.
Nhóm đối tượng này sử dụng thủ đoạn không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài như Malaysia, Singapore… nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, các đối tượng thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm. Sau đó, chúng thuê công nhân sản xuất là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh. Dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là "hàng xách tay". Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường. Khi đã có lượng khách hàng ổn định, các đối tượng chỉ bán thuốc giả do chính mình sản xuất, đối tượng khách hàng chủ yếu là dược sĩ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc. Kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, ước tính gần 200 tỉ đồng.