Thanh Hóa: Chuẩn bị khai quật chân móng Di tích Thành nhà Hồ
Lần đầu tiên các nhà khoa học sẽ tiến hành khai quật khoảng 60m2 khu vực chân móng Thành nhà Hồ, để làm rõ kỹ thuật xây thành của người xưa, phục vụ xây dựng phương án tu sửa cấp thiết phần móng.
Ngày 27/10, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, cho biết Trung tâm đang phối hợp với Viện Khảo cổ học và cơ quan liên quan hoàn thiện thủ tục pháp lý để khai quật khảo cổ khu chân móng Thành nhà Hồ.
Các nhà khoa học sẽ khai quật khoảng 60m2 tại phần chân móng đoạn tường thành phía Đông Bắc của Di sản Thế giới Thành nhà Hồ để làm rõ kỹ thuật xây thành của người xưa. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tiến hành khai quật khu vực chân móng Thành nhà Hồ.
Trước đó, vào tháng 9/2017, do ảnh hưởng của bão số 10 và tác động của thời gian đã làm sạt lở một đoạn tường thành tại vị trí phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200m) của Thành nhà Hồ, thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc.
Ngoài ra, nhiều vị trí khác của đoạn tường thành phía Đông Bắc còn bị xô nghiêng ra phía ngoài, có nguy cơ sạt lở cao. Theo hồ sơ bản vẽ và ảnh hiện trạng Di tích trình Ủy ban Di sản Thế giới, đoạn tường thành bị sạt lở ở Thành nhà Hồ thể hiện trong bản vẽ số 83, đoạn tường thành số 10, tỷ lệ 1/75.
Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ và Viện Khảo cổ học đã thực hiện khai quật lát cắt tường thành phía Đông Bắc Thành nhà Hồ với diện tích 400m2 nhằm tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật gia cố lớp đất đắp trên tường thành, lớp móng gia cố, nền gia cố chân thành khu vực tường thành phía Đông Bắc.
Căn cứ kết quả khai quật năm 2018, tại Quyết định số 5049/QĐ-UBND ngày 25/11/2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án Tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc.
Sau khi Dự án được phê duyệt, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã phối hợp với các đơn vị tư vấn và nhà thầu triển khai tu sửa công trình theo đúng các trình tự và thủ tục hiện hành.
Sau khi hạ giải tường thành và chân móng tại vị trí sạt lở đã xuất lộ 2 đoạn móng (có tổng chiều dài khoảng 15m) với 2 kết cấu khác nhau đoạn dài 8,7m có đá lót chân móng và đoạn 6,3m không có đá lót chân móng. Đối chiếu với kết quả khảo khai quật khảo cổ học năm 2018 thì có sự sai khác.
Vì vậy, để có cơ sở triển khai thực hiện dự án ở giai đoạn tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định cấp phép cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ khu vực chân móng sau hạ giải tường thành đá, Di sản Thành nhà Hồ.
Công việc này sẽ giúp các nhà khoa học làm rõ kết cấu và cách thức gia cố móng chân tường thành sau khi hạ giải và so sánh sự khác biệt với kết quả khảo cổ học trước đó. Từ đó, tạo cơ sở cho các đơn vị chức năng có cơ sở xây dựng phương án gia cố móng theo nguyên gốc cũng như xây dựng phương án gia cố khu vực tường thành bên trên.
Đây cũng là cơ sở khoa học để tỉnh Thanh Hóa xây dựng phương án tu sửa cấp thiết phần móng và tường thành đá Di sản Thành nhà Hồ, phục vụ cho triển khai Dự án Tu sửa cấp thiết tường thành đá, Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc.
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới.
Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, theo hình chữ nhật, có chiều dài gần 900m, rộng gần 700m, bằng những phiến đá lớn đẽo gọt vuông vức chồng khít lên nhau một cách tự nhiên, không dùng chất kết dính.
Đây là công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng bằng đá, thuộc hàng "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam, với tổng khối lượng đá được sử dụng khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp.
Ngày 27/6/2011, UNESCO đã chính thức công nhận Khu Di tích Thành nhà Hồ là Di sản Văn hóa Thế giới./.