Thanh Hóa chủ động, linh hoạt ứng phó bão lũ
Những ngày đầu tháng 9, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây giông lốc mạnh kèm mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện miền núi. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng; hàng trăm hộ dân bị cô lập trong nước lũ; nhiều tuyến đường bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng;… Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng các biện pháp ứng phó với mưa lũ đã được địa phương triển khai kịp thời...
Cán bộ, quân nhân vì dân phục vụ
Mường Lát - huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa với điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhưng luôn là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong những đợt bão lũ càn quét. Bão số 3 đi qua để lại nỗi kinh hoàng cho các hộ dân ở bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát khi nhiều nhà dân bị sạt lở trong đêm. Chị Cứ Thị Giông vẫn nhớ như in cảnh tượng tan hoang lúc 2 giờ sáng: “Lúc đó mọi người vẫn đang ngủ say, nghe tiếng hàng xóm hô hoán và tiếng sạt lở ầm ầm, tôi giật mình tỉnh dậy và chỉ kịp bế con nhỏ chạy ra ngoài”.
Bản Suối Phái có 62 hộ với 395 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Sau cơn bão số 3, bản có 6 hộ dân bị thiệt hại nhà cửa, trong đó, hộ gia đình anh Chá A Dia thiệt hại nặng, không thể khắc phục được. Trong quá trình di chuyển, các hộ dân trong bản được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Mường Lát, Tổ liên ngành, dân quân tự vệ xã Tam Chung đến hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tìm chỗ ở tạm cho các hộ dân kịp thời, không để xảy ra thiệt hại về người. Chị Sùng Thị Nú xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi cũng bị sạt lở, đất đá tràn hết vào nhà. Trong lúc cả gia đình lúng túng không biết làm thế nào thì các anh bộ đội và cán bộ xã đã đến kịp thời để đưa chúng tôi đến nhà văn hóa ở tạm”.
Trong những ngày qua, cùng với cấp ủy, chính quyền huyện, Ban CHQS huyện Mường Lát đã huy động 65 lượt cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và trên 150 lượt dân quân tự vệ các xã, thị trấn đến những bản xa xôi bị ảnh hưởng do bão số 3 để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiệt hại. Trung tá Trịnh Xuân Thành, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mường Lát chia sẻ: “Ngoài chuẩn bị ứng phó với bão lũ theo phương châm 4 tại chỗ, ngay sau khi thiên tai xảy ra, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng khẩn trương di dời các hộ dân ở nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, bảo đảm lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống cho bà con Nhân dân”.
Tại huyện Thạch Thành, trong bão số 3, huyện đã sớm chuẩn bị các phương án, phân công lãnh đạo chủ chốt trực tiếp xuống các địa bàn xung yếu để chỉ đạo di dời người dân ở những vùng ngập sâu đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. Gia đình ông Lê Dũng (thôn Đa Đụn, xã Thành Trực) ở khu vực gần sông Bưởi nên năm nào cũng bị ngập. Ông Dũng chia sẻ: “Mỗi khi lũ về, nước ngập sâu, gia đình chúng tôi luôn được chính quyền và các lực lượng dân quân tự vệ, công an hỗ trợ vận chuyển đồ đạc, vật dụng thiết yếu, di chuyển đến nơi an toàn. Mặc dù thường phải di dời trong đêm, nhưng các đồng chí bộ đội, công an, cán bộ lúc nào cũng nhiệt tình, hỗ trợ người dân hết mình”.
Đến thời điểm ngày 12.9, mưa lớn vẫn đang diễn ra trên địa bàn huyện Thạch Thành; mực nước sông Bưởi vẫn đang ở trên mức báo động II và tiếp tục dâng; một số khu dân cư vẫn đang trong tình trạng nước ngập sâu; nhiều khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở làm ảnh hưởng đến Nhà dân. Chủ tịch UBND huyện Đinh Văn Hưng cho biết: “Với tinh thần không chủ quan, lơ là, “bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân là trên hết”, huyện tiếp tục tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ mực nước sông Bưởi và tình hình ngập úng; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn theo dõi các khu vực có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng phương án sơ tán các hộ dân đến vị trí an toàn. Đồng thời, tổ chức lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai về lương thực, thực phẩm.
Sẵn sàng ứng phó lũ quét, sạt lở đất
Số liệu thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho thấy, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 1 người chết, 2 người bị thương; 255 nhà bị tốc mái, ảnh hưởng do cây đổ, sạt lở đất; 144 nhà bị ngập nước; 2.706ha lúa bị ngập, đổ; 9 điểm trường bị ảnh hưởng; một số công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng do thiên tai gây ra. Ngày và đêm 12.9, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, mưa lớn cục bộ có thể gây lũ quét ở vùng núi thấp, sạt lở sườn dốc, ngập ở vùng trũng.
Trước những thiệt hại và diễn biến bất thường do mưa bão, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ phải đi sơ tán/di dời; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở. Thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác và hộ đê theo quy định, nhất là các tuyến đê sông Mã, sông Bưởi, sông Lèn, sông cầu Chày...
Những ngày này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ và bảo vệ an toàn đê điều tại các huyện trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định: Thời tiết đang còn diễn biến phức tạp, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao, các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người, tài sản của người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét. Đồng thời, cử lực lượng chốt chặn tại điểm sạt lở nguy hiểm trên các tuyến giao thông, tại các ngầm tràn nước to, chảy xiết, đặt biển cảnh báo hai đầu... Bên cạnh đó, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, ứng trực 24/24 giờ, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật lực để huy động ngay khi có bất thường xảy ra.