Thanh âm bất tận của Đặng Thái Sơn

Với concert 'Timeless Resonance - Thanh âm bất tận', lần đầu tiên, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đặng Thái Sơn có một đêm trình diễn với các học trò của mình tại quê nhà. Ông chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên cho tour diễn vòng quanh thế giới của mình và các học trò bởi trái tim ông luôn hướng về quê nhà.

1. Về nước lần này, NSND Đặng Thái Sơn mang theo 3 học trò được ông dẫn dắt và dạy bảo. Các học trò của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng đa phần đều là người gốc Á. Chính vì nhận thấy nhiều điểm tương đồng trong văn hóa, ông đã chọn Hà Nội trở thành nơi bắt đầu concert. Dự án này không chỉ là sân khấu giới thiệu những nghệ sĩ nhạc cổ điển tài năng của Việt Nam và thế giới, mà còn tạo điều kiện giao lưu với các gương mặt nghệ sĩ trẻ tuổi gặt hái được nhiều giải thưởng quốc tế. "Hiện các nghệ sĩ trẻ châu Á là “thế lực” mới trong dòng nhạc cổ điển, đoạt nhiều giải cao ở các cuộc thi lớn. Học trò của tôi 90% là người gốc Á" - NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ.

NSND Đặng Thái Sơn.

NSND Đặng Thái Sơn.

Với NSND Đặng Thái Sơn, biểu diễn ở quê nhà là một niềm hạnh phúc... Với ông, mỗi lần lên sân khấu như là lần cuối cùng. Ông từng chia sẻ trước đêm nhạc rằng: “Trước khi đánh, tôi sẽ chạm vào đàn như một cách thăm hỏi, trò chuyện với cộng sự. Ngoài ra, tôi luôn nghĩ buổi biểu diễn này là lần cuối cùng mình ra sân khấu. Nó khiến tôi lâng lâng, không còn run rẩy. Lần cuối mà, hãy cho hết đi để thăng hoa”.

Và concert “Timeless Resonance - Thanh âm bất tận” đã khiến khán giả Việt Nam xúc động. 10 tiết mục hòa tấu đặc sắc trong buổi biểu diễn đã giúp khán giả có dịp tận hưởng vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển và chiêm ngưỡng những giai điệu hoàn hảo qua các kiệt tác của những nhà soạn nhạc thiên tài thế giới. Ba nghệ sĩ trẻ biểu diễn cùng NSND Đặng Thái Sơn là những học trò xuất sắc của ông ở thời điểm ông dành gần như toàn bộ thời gian cho công việc của một thầy giáo.

Cả 3 đều từng đạt nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc uy tín trên thế giới. Trong đó, Sophia Shuya Liu là học trò trẻ tuổi nhất (sinh năm 2008 tại Thượng Hải, Trung Quốc), được NSND Đặng Thái Sơn gọi là thần đồng. Cô từng giành giải nhất cuộc thi Piano Kobe tại Nhật Bản; giải nhất cuộc thi quốc tế Thomas & Evon Cooper năm 2023. NSND Đặng Thái Sơn gọi Zitong Wang là người “có ngón tay ma quái” còn Kaimin Chang là người chơi những bản nhạc "có quy mô". Họ lần lượt biểu diễn các tác phẩm của F. Liszt, L.V. Beethoven, A. Scriabin, F. Chopin và hòa tấu cùng thầy trong những bản nhạc của F. Schubert và F. Chopin.

NSND Đặng Thái Sơn đã dành tặng các khán giả 3 bài diễn cuối chương trình, bao gồm: “Barcarolle No.1”, “Op.26 in A minor” của G. Fauré, “Waltz No.2”, “Op. 69 in B minor” của F. Chopin và “Golliwogs Cakewalk from Childrens Cornr, L.113” của C. Debussy. Ngoài ra, Đặng Thái Sơn và các học trò còn có một màn hòa tấu đặc biệt dành cho khán giả.

2. Trong buổi gặp mặt báo chí trước đó, Đặng Thái Sơn xuất hiện, vẫn bộ quần áo quen thuộc, ông chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình, tuổi hưu và những dự định sắp tới. Ông nói nhỏ nhẹ, bình thản, dí dỏm. Câu chuyện của ông cũng rất gần gụi, thân tình. “Tôi không nghĩ thế mà đã 65 tuổi rồi”. Ông hài hước mở đầu câu chuyện. Năm ngoái ông đã bắt đầu nhận lương hưu từ Chính phủ Canada và trường Đại học Montreal, nơi ông giảng dạy.

Ông kể, ông mất 18 năm học hành (11 năm trung- sơ, 5 năm đại học, 2 năm nghiên cứu sinh). Quả là một hành trình dài và ông hài hước, đầu tư cho âm nhạc là một “đầu tư nguy hiểm” nhưng trong lĩnh vực của ông nếu “thành nghề” lại “ăn dày”, nghĩa là không có tuổi hưu rõ ràng. Có những người 90 -100 tuổi vẫn còn biểu diễn hoặc đi dạy nhạc, ông hy vọng được như má Liên của mình (NSND Thái Thị Liên).

NSND Đặng Thái Sơn và các học trò chơi đàn tám tay (Ảnh: Thanh Việt).

NSND Đặng Thái Sơn và các học trò chơi đàn tám tay (Ảnh: Thanh Việt).

Cuộc sống hưu trí của ông lại khá bận rộn vì ngoài biểu diễn, đi chấm thi cho một số cuộc thi piano quốc tế vì "không hiểu sao mấy năm nay lại “phát” chuyện đi trông trẻ". Ngoài Montreal, ông nhận lời dạy ở hai nhạc viện lớn tại Mỹ là Oberlin Conservatory (bang Ohio) và Nhạc viện New England (TP Boston).

NSND Đặng Thái Sơn hiện có khoảng 30 học trò, trong số ấy có những học trò xuất sắc như Bruce Liu, giành giải nhất cuộc thi Concours Chopin mà hơn 40 năm trước ông từng giành giải nhất. "Điều đó có ý nghĩa mang tính lịch sử với cá nhân tôi. Không lựa chọn nhưng như một cái duyên, nhiều hạnh phúc. Vì không có gia đình, nên các học trò với tôi như con, cháu trong nhà. Dạy học rất mệt nhưng khi thấy các em gặt hái thành quả, tôi hạnh phúc, bổ hơn nhân sâm", ông nói. Với NSND Đặng Thái Sơn, trong nghệ thuật, cá tính nghệ sĩ rất quan trọng vì thế ông thường nương theo cá tính từng học trò, hiểu điểm mạnh và điểm yếu để có "giáo trình" riêng cho mỗi em. Và chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của ông lần này cũng sẽ có nhiều thú vị bởi ông sẽ chơi đàn cùng với nhiều học trò của mình trong mỗi điểm đến.

Nhưng trong cuộc trò chuyện với phóng viên, NSND Đặng Thái Sơn một lần nữa lại mang theo hồi chuông báo động về âm nhạc cổ điển Việt Nam. "Việt Nam có lịch sư nhạc cổ điển vào hàng sớm của khu vực, khoảng đầu thế kỷ 20. Ở đây, so riêng với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta có cả một truyền thống về nhạc cổ điển "ăn đứt" họ. Thế nhưng ta cứ ngồi đó và tự hào nhạc cổ điển Việt Nam có lịch sử trăm năm nhưng các nước khu vực đã vượt mặt từ bao giờ. Thái Lan đang lên rất mạnh, Singapore thì rõ ràng rồi, Malaysia và Indonesia lên ầm ầm”.

Ông đã nhiều lần báo động về vấn đề này nhưng “không ăn thua” nên ông cụ thể hóa bằng hành động. Đó là qua các festival, các cuộc thi quốc tế, những cuộc giao lưu và chương trình biểu diễn (Timeless Resonance - Thanh âm bất tận là một ví dụ). Ông cũng mong muốn được trình diễn những tác phẩm có quy mô của các tác giả Việt Nam nhưng chờ đợi khá lâu rồi mà chưa có. Điều này cho thấy tâm tình của ông dành cho Việt Nam. Bởi thực tế, dù nhiều năm qua, âm nhạc cổ điển Việt Nam đã có những bước khởi sắc nhưng vẫn còn hạn chế và thiếu vắng khán giả.

Với vai trò là Giám đốc âm nhạc, đại diện chính thức của NSND Đặng Thái Sơn tại Việt Nam từ năm 2024, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, chuỗi chương trình “Timeless Resonance -Thanh âm bất tận” được thực hiện với mong muốn tạo dựng cảm hứng cho người trẻ, tài năng có đủ năng lực bước ra thế giới. Bên cạnh đó là sự đóng góp cho đời sống âm nhạc ngày một phát triển hơn, không chỉ ở lĩnh vực cổ điển. Nhạc cổ điển ở Việt Nam bị mặc định là khó nghe nhưng nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, không có nhạc khó nghe hay dễ nghe, chỉ có âm nhạc hay hoặc không hay. Thực tế, nhạc cổ điển ở Việt Nam chưa thực sự phát triển và dễ bị bỏ qua nên những tâm tình của NSND Đặng Thái Sơn hy vọng sẽ đánh động đến các nghệ sĩ và công chúng, những người quản lý văn hóa.

“Nhiều người nói tôi liều và dũng cảm khi tổ chức một chương trình như vậy. Nhưng những giá trị về mặt cảm xúc mà các chương trình đem lại giá trị với tôi hơn cả những khó khăn về mặt tài chính hay tổ chức. Vì thế, ngoài những thông điệp của chương trình, tôi hy vọng khán giả sẽ có những trải nghiệm về âm nhạc trước những tài năng biểu diễn, không chỉ là từ NSND Đặng Thái Sơn”, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.

NSND Đặng Thái Sơn là người Việt Nam đầu tiên trở thành nghệ sĩ đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực nghệ thuật đỉnh cao và khó khăn nhất - âm nhạc cổ điển. NSND Đặng Thái Sơn là một hình mẫu thành công và là nguồn cảm hứng trực tiếp cho các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ với khát vọng vươn mình ra thị trường quốc tế. Ông được biết tới lần đầu vào năm 1980 với vai trò là người châu Á đầu tiên dành được giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ 10 tại Warsaw, Ba Lan.

Ông được mời đi biểu diễn tại trên 40 khán phòng hòa nhạc nổi tiếng trên thế giới và cộng tác cùng các dàn nhạc danh tiếng như St-Petersburg Philharmonic, Birmingham Symphony Orchestra,… Từ năm 2018, ông tiếp tục truyền lửa và giảng dạy cho các học sinh, sinh viên tại trường nhạc viện Oberlin, Nhạc viện New England, Nhạc viện Trung tâm Bắc Kinh.

Mỹ Trân

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/thanh-am-bat-tan-cua-dang-thai-son-i733870/
Zalo