Thăng trầm nghề trồng dâu nuôi tằm

Dọc theo bờ sông Vệ, xã Đức Hiệp (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) từ lâu nổi tiếng với nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm hơn 100 năm tuổi. Nhưng giờ đây, nơi này chỉ còn những người già cố giữ nghề ông cha gây dựng...

Gia đình ông Lê Văn Trường (thôn Phú An, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức) nhiều đời làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Với ông, đây là nghề ông bà, rồi cha mẹ để lại, nên dù đời sống thay đổi, ông Trường vẫn bám trụ với nghề. Ông chia sẻ: “Từ lâu rồi, hợp tác xã có đội trồng dâu nuôi tằm làm tập thể. Lúc đó, Quảng Ngãi có công ty tằm tơ nên ai nấy trong xã Đức Hiệp đều ra sức làm nghề. Đó là một thời hưng thịnh, các thôn Phú An, Nghĩa Lập, Chú Tượng, An Long đều làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Đến sau này, công ty giải thể, hợp tác xã cũng không trụ được nên dừng hoạt động. Từ đó, người trồng dâu nuôi tằm dần thưa thớt”.

Ông Lê Văn Trường giữ gìn nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của gia đình. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Lê Văn Trường giữ gìn nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của gia đình. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nghề trồng dâu nuôi tằm vất vả nên được gọi là “nghề ăn cơm đứng” bởi đang ăn chén cơm mà trời sắp đổ mưa thì phải chạy đi hái lá dâu. “Lá dâu mắc mưa thì con tằm ăn bị chết, nên vào mùa mưa, lá dâu lỡ ướt nước mưa thì phải trải ra sân, bật máy quạt làm khô lá. Con tằm có đặc điểm là ăn sạch, lá dâu không được phun thuốc, kể cả hơi thuốc bám vào cũng không được”, ông Ngô Hoàng Hải (thôn Phú An, xã Đức Hiệp) nói.

Ông Ngô Hoàng Hải cho tằm ăn lá dâu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Ngô Hoàng Hải cho tằm ăn lá dâu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tằm chỉ ăn lá dâu tươi sạch và khô. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tằm chỉ ăn lá dâu tươi sạch và khô. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người trồng dâu nuôi tằm làm quần quật cả ngày đêm cho đến khi tằm tạo kén. Trong khi, giá cả kén rất bấp bênh, năm 2022 giá kén tằm chỉ 70.000-80.000 đồng/kg kén khô, năm nay giá lên nhưng cũng chỉ 170.000-190.000 đồng/kg.

Kén tằm là sản phẩm đặc trưng của xã Đức Hiệp (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Hội Nông dân Đức Hiệp

Kén tằm là sản phẩm đặc trưng của xã Đức Hiệp (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Hội Nông dân Đức Hiệp

Nhiều người không trụ được với nghề đã rời quê lập nghiệp. Cũng nhiều người chán định bỏ nghề nhưng rồi cũng quay lại. Ông Hải cũng một thời bỏ nghề đi làm khắp nơi nhưng rồi lại về quê bám lấy nghề cũ. Ông Hải nói: “Tôi đã đổi nghề 3 lần mà vẫn quay về chốn cũ”. Cứ 2 tháng, ông Hải nuôi 3 lứa kén, mỗi lứa thu khoảng 25kg kén khô, giá bán 170.000 đồng/kg, dù vất vả nhưng nuôi tằm cũng có đồng tiền, cứ 3 lứa kén cũng lãi được 7-8 triệu đồng.

Nghề trồng dâu nuôi tằm chỉ còn những người lớn tuổi trong thôn Phú An giữ nghề. Ảnh: Hội Nông dân Đức Hiệp

Nghề trồng dâu nuôi tằm chỉ còn những người lớn tuổi trong thôn Phú An giữ nghề. Ảnh: Hội Nông dân Đức Hiệp

Ông Lý Phát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hiệp, cho biết: “Năm ngoái vẫn còn 23 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm nhưng giá kén thấp kỷ lục đã khiến nhiều người bỏ nghề. Năm nay chỉ còn khoảng 10 hộ làm nghề, tập trung chủ yếu ở thôn Phú An”.

Những bãi dâu rộng đến 20ha cũng dần thay thế cây ngô sinh khối, diện tích thu hẹp, mỗi hộ chỉ còn giữ 3-5 sào ruộng trồng dâu.

Ông Phát thăm ruộng trồng dâu của người dân địa phương. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Phát thăm ruộng trồng dâu của người dân địa phương. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Theo ông Phát, nghề trồng dâu nuôi tằm hiện nay ít tốn thời gian hơn. Trước kia, chu kỳ nuôi khoảng 25 ngày thì nay cơ sở cung cấp giống đã chăm lên tằm nên chỉ cần nuôi khoảng 10-15 ngày là cho ra sản phẩm kén tằm.

Chia sẻ về khó khăn của người trồng dâu nuôi tằm, ông Phát cho biết: “Hiện nay chỉ có 1 cơ sở thu mua kén tằm tại Bình Định, họ cung cấp luôn con giống. Do vậy, giá cả do họ đưa ra, có năm giá rất thấp, thời gian thu mua cũng do họ quyết định”.

Một ruộng trồng dâu của người dân. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Một ruộng trồng dâu của người dân. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Để khôi phục, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, người dân kiến nghị cần được hỗ trợ trang thiết bị, khuyến khích người dân nuôi tằm trở lại và tìm nguồn tiêu thụ đầu ra cho kén tằm.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thang-tram-nghe-trong-dau-nuoi-tam-post691007.html
Zalo