Thăng hoa với mỹ thuật truyền thống
Là một họa sĩ thiên về nghệ thuật truyền thống, thế nhưng họa sĩ tranh ghép vải Nguyễn Thu Huyền lại có cái nhìn cởi mở với mỹ thuật sáng tạo. Gặp chị trong không gian tĩnh lặng của Trung tâm Nghệ thuật House of Art trong một chiều đông Hà Nội để nghe chị dãi bày về cảm xúc của người nghệ sĩ đối với dòng chảy mỹ thuật đương đại.
Cảm xúc từ mỹ thuật truyền thống
Trước sự thay đổi của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, mỹ thuật truyền thống có còn là lựa chọn của đại đa số nữa không, đó là câu hỏi mà nhiều người trăn trở.
Theo họa sĩ Nguyễn Thu Huyền, những cảm nhận từ thiên nhiên, cuộc sống là khởi nguồn, động lực cho người nghệ sĩ hình thành những ý tưởng nghệ thuật ở nhiều góc nhìn, khía cạnh khác nhau. Chính sự cảm nhận đa chiều như thế đã hình thành những trường phái, trào lưu với phong cách, ý tưởng riêng, góp phần tạo nên bức tranh muôn màu muôn vẻ cho nền mỹ thuật.
Bên cạnh yếu tố cảm xúc, cảm nhận thì các dòng tranh như tranh sơn dầu, tranh sơn mài, tranh ghép vải… có những yêu cầu về chất liệu và kỹ thuật thể hiện riêng, phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau mới có thể hình thành nên tác phẩm chứ không đơn thuần chỉ là vẽ trên giấy.
“Bởi vậy mỹ thuật truyền thống với những cảm xúc và kỹ thuật thể hiện riêng luôn giữ vững vị thế của mình trong dòng chảy văn hóa hiện đại”, nữ họa sĩ khẳng định.
Thật vậy, đã từ lâu, tranh ghép vải của họa sĩ Thu Huyền có một phong cách riêng không giống bất kì họa sĩ nào, bởi những tác phẩm này được bắt đầu từ con số không, từ sự mày mò và tìm tòi của riêng chị, không được tiếp thu hay bị ảnh hưởng bởi ai đi trước. Đó là sự kết hợp từ những mảnh vải riêng rẽ để tạo nên một tổng thể hài hòa về màu sắc và bố cục mang lại cảm xúc cho người xem.
Người yêu nghệ thuật có thể cảm nhận trước hết ở sự tinh tế, và tỉ mỉ trong từng mảnh ghép sau đó là cảm xúc trong mỗi bức tranh. Chị hạnh phúc khi đem đến cho người sưu tập những tác phẩm độc đáo nhất và họ cũng hài lòng, vui sướng khi được sở hữu tác phẩm của mình, đó chính là động lực để chị cố gắng mỗi ngày.
Tiếp tục câu chuyện về mỹ thuật sáng tạo, Thu Huyền cho rằng, bằng tài năng của mình, người họa sĩ đã tạo nên những tác phẩm mang nội dung không chỉ ở đường nét, màu sắc mà còn ở thông điệp chuyển tải. Rõ ràng, nguồn cảm hứng cho sự hình thành tác phẩm là những rung động thẩm mỹ, tinh tế và mãnh liệt trong tâm hồn nghệ sĩ trước nhịp điệu của cuộc sống, được bộc lộ thông qua khuynh hướng tạo hình mà họ thụ cảm. Nhờ đó mà các tác phẩm nghệ thuật ra đời mang đậm phong cách cá nhân riêng, cách thể hiện rất riêng mà không có máy móc nào có thể thay thế được.
Tuy nhiên bên cạnh đó không thể phủ nhận máy móc cũng hỗ trợ nhiều trong cuộc sống của con người và mỹ thuật sáng tạo cũng giúp chúng ta biết thêm nhiều cách tạo hình, khám phá thế giới hội họa ở một cách riêng.
Theo Thu Huyền, trí tuệ cảm xúc (EQ) là một trong những yếu tố khác biệt giúp con người kết nối tình cảm với thế giới xung quanh. Nếu như trí tuệ nhân tạo (AI) trong mỹ thuật hiện đại có thể cố gắng bắt chước trí thông minh của con người, nhưng trí tuệ cảm xúc không dễ bắt chước. Trong hội họa thì cảm xúc đóng một vai trò rất quan trọng. Đó chính là khởi nguồn, là động lực cho sự sáng tạo nghệ thuật.
“AI là dùng dữ liệu để vẽ, không phải dùng cảm xúc hay sự sáng tạo để vẽ. Bởi vậy AI có thể coi là công cụ hỗ trợ cho con người chứ không thể thay thế hoàn toàn các tác phẩm nghệ thuật được và mỹ thuật truyền thống cùng với bút pháp rất riêng, thể hiện được phong cách cá nhân của từng họa sỹ vẫn là lựa chọn của đại đa số”, họa sĩ Thu Huyền làm sáng tỏ.
Theo Thu Huyền, mỹ thuật sáng tạo là phương pháp giáo dục gợi mở, chủ yếu phát triển tư duy sáng tạo. Phương pháp này giúp con người chủ động quan sát, phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo thông qua việc trải nghiệm nhiều cách tạo hình.
Nghệ thuật là tri kỷ
Khi học ngành thiết kế thời trang tiếp xúc được với nhiều màu sắc của vải, vải vụn thừa nhiều nên họa sĩ Thu Huyền bắt đầu thử nghiệm để làm nên những tác phẩm nhỏ xinh. Năm 2006, chị bắt đầu làm các tác phẩm và đăng trên blog cá nhân. Khi đăng lên được sự ủng hộ của rất nhiều người nên từ những tranh nhỏ như vậy, Thu Huyền nuôi dưỡng niềm đam mê và biến thành những tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ hơn, tinh tế hơn.
Đối với Thu Huyền, nghệ thuật tranh vải không phải là một cuộc dạo chơi mà là tri kỷ. Khi bắt đầu đến với nghệ thuật tranh vải, chị không suy nghĩ gì nhiều về chỗ đứng của dòng tranh này trên thị trường, khó dễ ra sao vì bản thân chị là một người thích tìm tòi, ưa sáng tạo. Bởi vậy, chị làm tranh vải bằng cả niềm đam mê và tâm huyết của mình và đã gắn bó với dòng tranh này đến nay được 16 năm.
Suốt 16 năm qua, chị đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và tranh ghép vải như một người bạn đồng hành của chị trong suốt quãng đường ấy. Nữ họa sĩ luôn nỗ lực đổi mới, tìm ra phương pháp và kĩ thuật thể hiện cho mỗi tác phẩm, tự vượt qua cái bóng của chính mình chứ không dập khuôn, một màu.
Trong quá trình học tập, chị được tiếp cận với nhiều loại hình mỹ thuật khác nhau, các chất liệu và kỹ thuật vẽ khác nhau. Bản thân chị có thể vẽ nhiều dòng tranh như sơn dầu, bột màu, màu nước, màu phấn… Tuy nhiên, ngay từ khi là sinh viên năm thứ 2 đại học, màu sắc độc đáo cùng với chất liệu đặc biệt của vải đã thu hút chị, khiến chị say mê và gắn bó với tranh vải hơn so với các thể loại tranh khác.
Đến nay, họa sĩ Nguyễn Thu Huyền vẫn tiếp tục công việc làm những bức tranh vải với nhiều chủ đề khác nhau nhưng cũng song song với việc đào tạo các học viên nhí yêu thích tranh vải nói riêng và mỹ thuật nói chung tại trung tâm House of Art.