Thăng hạng Top 3 thế giới: Gạo Việt Nam đối mặt bài toán khó năm 2025
Ngành gạo tại nước ta lập kỷ lục xuất khẩu, thăng hạng lên top 3 thế giới song dự kiến ngành trên sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trong năm 2025.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, năm 2024, sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta tăng 12%, trong khi kim ngạch tăng 23% so với năm 2023. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 627 USD/tấn, tăng 16,7% so với năm trước. Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải chia sẻ: "Đơn giá xuất khẩu bình quân của gạo Việt ngày càng cải thiện, khẳng định chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm".
Tuy nhiên, ngành gạo xuất khẩu của nước ta trong tương lai dự kiến gặp nhiều chướng ngại lớn. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo rằng lượng cung lúa gạo thế giới năm 2025 sẽ tăng cao, có thể đạt đến kỷ lục hơn 530 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn so với dự báo trước đó. Năm 2024, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc không còn phong độ như năm 2023, chỉ còn 250.000 tấn tương đương giảm 71% do nước này thực hiện chiến lược tự cung tự cấp và yêu cầu khắt khe hơn trong chất lượng lẫn bao bì.
Bên cạnh đó việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu và bỏ thuế xuất khẩu gạo sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh về giá. Đất nước của các nền văn minh cổ đại này cũng đẩy mạnh xuất khẩu, dỡ bỏ các hạn chế thương mại. Không những vậy, nhu cầu sử dụng gạo tại nhưng quốc gia chuyên nhập khẩu gạo như Philippines và Trung Quốc cũng giảm mạnh. Hơn hết, những ngày đầu năm mới 2025, giá gạo xuống dốc đáng kể. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho tính đến ngày 16.1.2025, giá gạo 5% tấm chỉ còn 419 USD/tấn, giảm hơn 230 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Đứng trước tình hình tương lai của ngành gạo Việt Nam, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước cần triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Đây không chỉ giúp ổn định giá, mà còn đảm bảo lợi ích cho nông dân". Các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo phải linh hoạt hơn trong kinh doanh, tùy cơ ứng biến trước những biến động của giá gạo.
Chuyên gia nhận định rằng việc giá gạo giảm sẽ sớm chấm dứt và thị trường truyền thống sẽ sớm ký kết hợp đồng trở lại. Trên thực tế, Việt Nam đang thiết lập một ngành lúa gạo chú trọng vào chất lượng nhằm nâng cao giá trị kinh tế lẫn vị thế gạo Việt trên trường quốc tế.
Dù đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường quốc tế và biến động giá cả, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn cho thấy tiềm năng phát triển bền vững nhờ chiến lược nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Việc đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và linh hoạt thích nghi với thị trường sẽ là chìa khóa để gạo Việt tiếp tục khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, tương lai ngành lúa gạo hứa hẹn sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định, tạo dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn cho gạo Việt Nam.