Tháng giêng trên quê hương tỉnh Bình Phước

Tháng giêng trên quê hương Bình Phước có nhiều sự kiện lịch sử vô cùng ý nghĩa. Báo Bình Phước số ra đầu tiên ngày 1-1-1997 đăng tải những sự kiện này.

THÁNG GIÊNG LỊCH SỬ ĐẤU TRANH
TRÊN QUÊ HƯƠNG TỈNH BÌNH PHƯỚC (1972-1975)

(Đăng báo Bình Phước, 1-1-1997)

NGUYỄN MINH ĐỨC

Đầu mùa xuân năm 1912, nghĩa quân N’Trang Long gồm 170 người dân tộc rừng núi Bà Rá - Phước Long, dùng vũ khí thô sơ đã bất ngờ dũng cảm mưu trí đánh vào đồn lính khố xanh và tòa nhà đại lý người Pháp tên Pusna.

Phát huy thắng lợi này, họ liền phục kích ngăn chặn đơn vị lính ngụy do tên Hăng-ri-mét-tơ-ri chỉ huy, đi tiếp tế lương thực từ biên giới Krachê đến Bà Rá.

Sau hai trận chiến tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân, nên thủ lĩnh N’Trang Long xây dựng căn cứ ở vùng núi Nam Nung phía Nam Đak Min để kháng chiến lâu dài.

- Ngày 30-1-1930 (mồng Một tết Canh Ngọ): Dưới sự lãnh đạo của Nghiệp đoàn đỏ, đông đảo công nhân 5 làng đồn điền cao su Phú Riềng đứng lên đấu tranh.

Họ biểu tình thị uy với hình thức chúc tết chủ sở Su-ma-nhắc (Soumagnag). Đây là ngày mở đầu của bảy ngày tổng bãi công thắng lợi làm nên “Phú Riềng đỏ viết trang sử vàng cho giai cấp công nhân”.

- Ngày 1-2-1934: 300 nghĩa quân Stiêng và Mơ-nông được trang bị giáo, mác, cung, ná và súng trận, lựu đạn, họ đánh đồn Bukoh thu kết quả lớn.

- Đầu năm 1941, quận trưởng Bà Rá xây dựng thêm trại C, thuộc nhà tù Bà Rá để giam giữ hàng trăm chiến sĩ cộng sản. Trước đó đã có hai trại B giam nữ tù, trại A giam tù thường phạm tội giết người, trộm cướp v.v…

- Tháng Giêng năm 1948, tỉnh ủy Biên Hòa tổ chức 1 đội vũ trang (đội công tác) có 20 chiến sĩ cán bộ, do đồng chí Vũ Đình Kính (Bảy Kính) chỉ huy. Đơn vị này hoạt động trong công nhân cao su và đồng bào dân tộc.

Sau đó thêm 1 đội nữa ra đời với 13 nam, nữ cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Ngô Văn Long chỉ huy. Họ làm nhiệm vụ tuyên truyền, chiến đấu, xây dựng cơ sở quần chúng và tổ chức Đảng đem lại nhiều kết quả…

Hai đơn vị trên là hạt nhân tạo nên các tổ chức UBKCHC huyện, huyện ủy Sông Bé và Mặt trận Liên Việt huyện.

- Đầu năm 1949, Khoa quốc dân thiểu số ra đời để chuyên làm công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh. Tổ chức này chịu sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Khu 7 nhằm chống lại chủ trương “chia để trị” của giặc Pháp.

- Tháng 1-1960, các lực lượng vũ trang Phước Long - Đồng Phú liên tiếp đánh đồn, diệt ngụy ở vùng An Bình, Nước Vàng, mở cửa ngõ tiến vào chi khu quân sự Đồng Xoài. Quân ta giải tán các trạm kiểm soát trên trục lộ số 13, số 14, số 8. Nhờ vậy tạo điều kiện phá kềm kẹp, cho nhân dân và công nhân cao su trỗi dậy đấu tranh đồng khởi toàn miền Nam.

- Ngày 11-1-1968, thành lập Tiểu đoàn 168, quân số 600 cán bộ, chiến sĩ. Tiểu đoàn trưởng là Nguyễn Huệ (Ba Huệ), Chính trị viên là đồng chí Cần (Tư Cần). Bộ đội chủ lực này cùng với quân dân trong tỉnh Phước Long tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân, làm Mỹ - ngụy phải kinh hồn bạt vía.

- Xuân 1969, toàn quân dân 2 tỉnh Phước Long - Bình Long rất xúc động khi nghe thơ chúc mừng năm mới của Bác Hồ kính yêu. Mọi người đều ghi nhớ không bao giờ quên: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào…”. Họ quyết tâm cầm gươm, ôm súng tiến ra chiến trường và tăng gia sản xuất bảo vệ hậu phương.

- 20-1-1969, Tiểu đoàn 168 hợp đồng với lực lượng vũ trang K7, mở đợt tập kích vào cụm chốt của đơn vị FI ky binh bay Mỹ tại Bù Nho. Quân ta đã đánh tiêu hao 2 đại đội Mỹ, bắn rơi 4 máy bay trực thăng, phá hủy kho tàng, vũ khí.

- Ngày 23-1-1969, ba thứ quân của tỉnh Phước Long đồng loạt tiến công như vũ bão vào các đồn bót quân lỵ Phước Bình và tỉnh lỵ Phước Long ngụy. Các lực lượng địch ở đây rất mạnh và chống đỡ rất quyết liệt, chúng cũng bị thiệt hại nhiều sinh lực…

Đây là cuộc tổng công kích trên toàn miền Nam giành thắng lợi to lớn làm áp lực cho việc mở ra mặt trận ngoại giao. Hội nghị bốn bên tại Paris khai mạc ngày 25-1-1969 để bàn về vấn đề Việt Nam là kết quả do chiến trường đem lại.

- Ngày 21-1-1970, được sự hỗ trợ đắc lực của các cơ sở kháng chiến địa phương, quân giải phóng bất ngờ tập kích vào Trung đoàn thiết giáp Mỹ số 11 “Độc lập”, đóng quân tại ngã ba Lộc Tấn, thị trấn Lộc Ninh. Sau nhiều giờ hai bên đánh nhau, ta phá và diệt 61 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 5 máy bay, loại 330 tên Mỹ ra khỏi vòng chiến đấu… Công nhân cao su, nhân dân, đồng bào dân tộc vô cùng phấn khởi với chiến công đặc sắc này.

- Đầu xuân 1973, đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới, chủ trương của TWCMH đổi “Phân khu Bình Phước” thành “Tỉnh Bình Phước” trực thuộc Khu ủy miền Đông. Quân dân tỉnh Bình Phước kháng chiến với quân Mỹ - ngụy ở hai tỉnh Phước Long và Bình Long.

- Tháng giêng năm 1973, sự hợp nhất lượng và chất của tỉnh mới làm tăng thêm sức chiến đấu mới. Trong tháng này, quân dân ta chống càn quét, công đồn, phục kích trên 18 trận lớn nhỏ, gây cho địch nhiều tổn thất lớn.

Đây còn là sự phối hợp tác chiến trên toàn miền Nam và miền Bắc. Với thắng lợi rất to lớn ấy, buộc Mỹ - ngụy Sài Gòn phải hạ bút, cúi đầu ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, để rồi “Mỹ cút” về nước, chỉ còn để lại ngụy ở chiến trường ngày càng lâm nguy. Về phía quân dân ta, càng kháng chiến càng nhiều mưu trí, dũng cảm và quyết thắng lợi đến cùng.

- 6 ngày ác liệt nhất, vẻ vang nhất trên chiến trường thị xã Phước Long, sau khi quân ta đã triển khai và tiếp cận các mục tiêu địch. Vào lúc 5 giờ 30 phút ngày cuối tháng, cuối năm 1974, trận đánh “đòn trinh sát chiến lược” bắt đầu.

- 6 giờ sáng ngày 1-1-1975, bộ đội đặc công của Đoàn 429 đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn điểm cao Bà Rá. Các Trung đoàn 201, 271 của Sư đoàn 3 cùng bộ đội địa phương Bình Phước truy quét và bức rút các cụm địch chung quanh Thác Mơ, Hiếu Phong, Long Điền áp sát đến ngã ba Tư Hiếu, cửa ngõ phía Nam của thị xã.

- Trong 2 ngày 2 và 3-1-1975, quân ta đánh chiếm tuyến phòng thủ phía Nam thị xã Phước Long. Sau đó bộ đội giải phóng áp sát binh lực đến khu vực trung tâm thị xã. Ta và địch nổ súng suốt cả ngày lẫn đêm dưới mặt đất, trên bầu trời. Địch tăng viện 200 biệt kích để cứu nguy cho nhau, gây thêm khó khăn cho quyết tâm chiến thắng của ta. Khi đó, Bộ Tư lệnh miền hạ lệnh phải nhanh chóng dứt điểm thị xã này trong ngày 6-1. Đồng thời ta tăng viện binh hỏa lực như bộ binh, pháo binh, xe tăng đến để hợp đồng chiến đấu theo quyết tâm nhanh chóng dứt điểm ngay.

- Hai ngày tiếp theo 4 và 5-1-1975, quân ta tiến công quyết liệt, mở toang cánh cửa phía Nam thị xã, 6 chiếc xe tăng chở bộ đội thọc sâu lên hướng Bắc đánh chiếm các khu vực hành chính, cảnh sát.

- Ngày 6-1-1975, sáng và trưa, Trung đoàn 2 Sư đoàn 9 tiến vào tiêu diệt địch cụm quân cố thủ hầm ngầm ở trung tâm hành quân.

- 16 giờ, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 14 công kích vào dinh tỉnh trưởng, tiếp thep Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 2 là mũi nhọn từ phía Bắc tràn xuống. Khi đó, Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 2 lập mũi nhọn từ Đông Nam tấn công lên. Hai đơn vị tạo thành 2 gọng kềm siết cổ họng quân địch ở Tiểu khu Phước Long.

- 17 giờ, chiến sĩ Trần Văn Mới, Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Sư đoàn 7 cắm lá cờ MTDTGP trên tòa thị chính. Giờ toàn thắng giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long đã điểm.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/167368/thang-gieng-tren-que-huong-tinh-binh-phuoc
Zalo