'Tháng củ mật' khó lường
Nếu như trước kia, 'tháng củ mật', dân ta chỉ cần bảo nhau cửa đóng then cài, xe cộ khóa kỹ càng là yên tâm, thì ngày nay không gian 'tháng củ mật' đã mở rộng không giới hạn, tinh vi và khó lường hơn rất nhiều.
Dịp cuối năm, trước Tết Nguyên đán là thời điểm mà mọi người thường mong chờ nhất để kết thúc một năm cũ, chào đón những điều may mắn tốt lành trong năm mới. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian cao điểm “ma trận” lừa đảo giăng khắp các cõi mạng cho đến ngoài đời thực, với những chiêu trò ngày càng tinh vi, ma mãnh. Lợi dụng nhu cầu mua sắm, tài chính gia tăng dịp cuối năm, cộng với tâm lý vội vã và sự thiếu cảnh giác của người dân, tội phạm công nghệ, tội phạm mạng gia tăng hoạt động. Nhiều chiêu trò cũ nở rộ trở lại trong dịp cận Tết, và cũng không thiếu những chiêu trò, kịch bản mới, tinh vi hơn được giăng để bẫy người dùng.
Điển hình cứ vào cuối năm, nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ để lì xì hoặc chuẩn bị cho các hoạt động tiêu dùng trong dịp Tết là rất lớn, trở thành cơ hội béo bở cho các dịch vụ đổi tiền online. Đánh vào tâm lý, nhu cầu của người dân, các đối tượng lừa đảo đã bung ra nhiều thủ đoạn trên các trang, nhóm trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền lì xì tết" trên mạng xã hội là hàng trăm bài đăng, hội nhóm hiện ra với những lời mời gọi, cam kết "tiền thật", "tiền mới", "giá rẻ nhất thị trường"... Tại nhóm “Đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì phí rẻ” trên Facebook với hơn 30.000 thành viên, mỗi ngày có hàng chục tài khoản đăng bài. Những cụm từ như “tiền nguyên tem”, “tiền mới nguyên series”, “tiền mới tinh” xuất hiện dày đặc. Nhiều chủ tài khoản còn tìm kiếm các cộng tác viên đăng bài, nhận “đổ buôn” tiền mới, với mức phí từ 2 - 3% với tiền đã qua sử dụng, 5 - 8% đối với tiền mới. “Dân buôn tiền” trên mạng internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước.
Tuy nhiên, những dịch vụ phi pháp đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí nhận tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, "bùng" tiền cọc của khách. Nhiều người "sập bẫy" các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả không dám trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.
Năm hết Tết đến, nhu cầu về tài chính của người dân cũng thường tăng cao, đặc biệt là những người đang túng bấn, phải lo gom góp trả nợ. Lợi dụng tâm lý đó, các “ma trận” về lừa đảo tài chính cũng giăng khắp nơi, để bẫy những nạn nhân đang trong cảnh xoay sở nợ nần. Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến được "điểm mặt" trong thời gian gần đây là mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo vay tiền hoặc đáo hạn. Thủ đoạn này đã lừa được nhiều người dân, đặc biệt là những người không có nhiều kinh nghiệm về tài chính. Các đối tượng thường tự xưng là nhân viên của một ngân hàng lớn, gọi điện hoặc nhắn tin cho khách hàng với lý do "thông báo về các gói vay ưu đãi" hoặc "cập nhật thông tin tín dụng". Sau đó, họ yêu cầu người vay cung cấp các thông tin cá nhân như số Căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, mức thu nhập, mục đích vay… Thậm chí, nếu khách hàng đang có khoản vay tại ngân hàng, đối tượng sẽ thông báo "đã đến hạn thanh toán" hoặc "cần phải gia hạn khoản vay". Khách hàng được yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản khác hoặc cung cấp thông tin tài chính cá nhân để "đảm bảo giao dịch". Sau khi thực hiện theo hướng dẫn, đối tượng sẽ trình bày các lý do bắt nạn nhân phải chờ đợi rồi chặn mọi liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Một chiêu trò khác không mới những vẫn lừa được những người không thạo công nghệ, hoặc ít cập nhật diễn biến xã hội, đó là thủ đoạn giả cán bộ của các cơ quan nhà nước “vận động” người dân cài các ứng dụng giả mạo của VNeID, Dịch vụ công, Tổng cục Thuế, sổ tay sức khỏe điện tử… để lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại rồi tìm cách chiếm đoạt tài sản; hay giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân gọi điện lừa đảo; giả danh giáo viên, nhân viên y tế gọi điện báo người thân, con em đang cấp cứu.v.v..
Chưa hết, những ngày chuẩn bị đón Tết, người người nhà nhà lên mạng tìm kiếm các món quà, đặc sản, hàng giảm giá, các dịch vụ tàu xe, du lịch Tết… Từ đó cũng nở rộ các ứng dụng, trang web, trang mạng xã hội lừa đảo, tung nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để đổi lấy hàng kém chất lượng, bán tour du lịch giá rẻ rồi ăn chặn tiền cọc; lập website đại lý vé tàu xe, vé máy bay giả mạo. Tại nhiều cửa hàng, mã QR thường được in và đóng khung đặt trên quầy thanh toán hoặc dán tại khu vực xung quanh quầy thu ngân. Kẻ gian lợi dụng sơ hở để dán đè mã QR của tài khoản giả mạo và chiếm đoạt tiền chuyển khoản. Bọn chúng còn gửi tin nhắn hoặc hình ảnh hóa đơn giả mạo đã chuyển khoản thành công để chủ cửa hàng lầm tưởng giao dịch đã hoàn tất và giao hàng cho kẻ lừa đảo. Bên cạnh đó, những chiêu trò lừa đảo vặt cũng “biến tấu” muôn hình vạn trạng, như thủ đoạn giả vờ tặng quà miễn phí, khuyến mãi, tri ân dịp Tết, giao hàng mua online, chỉ để lừa 20-30 nghìn đồng phí vận chuyển.
Các chiêu trò lừa đảo không ngừng tung hoành, bủa vây người dân xuất phát từ việc kẻ gian đã lợi dụng nhiều lợi thế của không gian mạng, của công nghệ đang thay đổi hàng ngày. Nhưng chúng còn lộng hành được cũng là do sự mất cảnh giác, thiếu hiểu biết, hoặc nhẹ dạ cả tin của các nạn nhân. Tội phạm lừa đảo, đặc biệt là qua công nghệ hoặc không gian mạng, sẽ khó có đất sống nếu như người dân thận trọng, cảnh giác, thường xuyên cập nhật các thông tin cảnh báo từ báo chí và các cơ quan chức năng, để tỉnh táo suy xét, kiểm tra.
Năm hết Tết đến, giữa những lo toan, tất bật, người dân cần tự trang bị mình cho mình và cảnh báo cho người thân, đặc biệt là những người cao tuổi, người kém công nghệ, ít cập nhật tình hình xã hội, về những thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp giám sát, xử lý mạnh tay để trấn áp loại tội phạm này. Song song với đó, công tác tuyên truyền cần phủ rộng xuống từng thôn, xóm, tổ dân phố, thậm chí từng “số thuê bao”, để cộng đồng luôn luôn cảnh giác, cẩn trọng, không chỉ trong “tháng củ mật”, mà là luôn luôn, mọi lúc mọi nơi, khi mà dòng chảy mạng không khi nào ngừng nghỉ.