Tháng Bảy tri ân
'Năm nào dịp 27/7 các cháu cũng tới, còn làm cơm cúng các anh, tôi xúc động lắm. Ngày bố mẹ tôi còn sống, họ vẫn đau đáu được đưa các anh về nhà để làm một bữa cơm…', bà Hương nghẹn ngào.
Năm hai lần giỗ, anh vẫn chưa về
Sáng cuối tuần, căn nhà của bà Phan Thị Hương nằm trên đường Xuân Tâm (phường Hải Châu, TP Đà Nẵng) đông người lui tới. Gọi là nhà nhưng trông chẳng khác gì một phòng trọ khoảng 20m2 tạm bợ. Trong nhà không có gì đáng giá, góc trang trọng nhất dành treo những tấm bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương kháng chiến… Bà Hương là con của mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Nhượng. Mẹ Nhượng sinh được 8 người con, hai người con trai đầu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, là liệt sĩ Phan Văn Cân và Phan Văn Dữ.
Bà Hương kể, năm 1965, anh Cân bị địch bắt, đưa lên khu vực biển Xuân Thiều tử hình. “Đồng đội báo về cho gia đình tôi anh tôi bị bắn chết rồi. Ba mẹ tôi hóa điên dại nhưng không lên nhận xác con được, đành phải nhờ họ đánh dấu chỗ chôn. Sau giải phóng, ba tôi lên vùng đó tìm mộ anh nhưng chưa thấy”, bà nhớ lại. Người anh thứ hai của bà là anh Phan Văn Dữ cũng bị địch bắt, sát hại rồi thả xuống sông. Anh Dữ mất sau anh Cân vài năm, vẫn chưa tìm được. Sau ngày đất nước thống nhất, người cha già yếu lùng khắp vùng Quảng Nam, Đà Nẵng, ra tận Huế tìm mộ hai anh, nhưng vô vọng. Cả nhà ai cũng đau đáu được đưa tro cốt các anh về. Nhất là mẹ, mất đi hai giọt máu đã tan nát lòng.
Năm 1992, ba mất, mẹ Nhượng sống với bà Hương trong căn nhà nhỏ. Bà Hương ở vậy, không lập gia đình, chăm mẹ. Các anh chị em còn lại có vợ chồng ở riêng, điều kiện kinh tế cũng không mấy khá giả. Bà Hương nói rằng thời chiến, nhiều người mẹ mất con, nhưng ít ra họ còn chút an ủi là được thắp nén nhang lên mộ phần. Còn mẹ mình, muốn gục lên mộ con òa khóc cũng không được.

Thế hệ hôm nay không quên sự hy sinh của các anh, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ thân nhân các liệt sĩ. Ảnh: Thanh Hiền.
Mỗi năm cứ tới ngày giỗ ba vào mùng 4 tháng 10 âm lịch là mẹ làm giỗ chung cho cả hai anh. Mẹ dặn dò phải thờ cúng, hương khói đàng hoàng để các anh bớt lạnh lẽo. Năm 2022, mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Nhượng qua đời, bà Hương tiếp tục lo chuyện hương khói cho cha mẹ và hai anh, với hy vọng một ngày tìm được phần mộ của hai anh - liệt sĩ Phan Văn Cân, liệt sĩ Phan Văn Dữ.
Dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hải Châu đến nhà bà thăm hỏi, làm mâm cơm cúng đặt lên bàn thờ. Vậy là một năm các anh có tới hai lần đám giỗ. Bà Hương rưng rưng: “Không cần bày biện gì cả, các cháu chỉ cần đến thắp cho ba mẹ và các anh nén nhang là tôi ấm lòng lắm rồi. Điều đó chứng tỏ Tổ quốc và thế hệ hôm nay không quên sự hy sinh của các anh. Dù các anh ở đâu cũng sẽ yên lòng”, bà rưng rưng.
Không quên gia đình liệt sĩ
Mâm cơm đầy đủ món dọn lên bàn, bày biện cẩn thận, bà Hương cùng mọi người thắp hương trên bàn thờ. Chị Lê Hoàng Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hải Châu động viên bà giữ sức khỏe, có thiếu thốn, cần hỗ trợ gì cứ nói với chính quyền để được giúp đỡ. Bà Hương cười hiền, bảo bao năm qua địa phương cũng quan tâm tới gia đình rất nhiều, bà biết ơn vì điều đó.
Tuần hương vừa xong, mọi người quây quần bên mâm cơm cùng bà ăn trưa. Câu chuyện về một thời bom đạn, ngày đất nước thống nhất, xây dựng kinh tế phát triển… làm ngôi nhà rộn ràng hơn.

Bữa cơm cúng hai liệt sĩ Phan Văn Cân và Phan Văn Dữ dịp 27/7. Ảnh: Thanh Hiền.
Chị Yến nói đây không phải là lần đầu các hội, đoàn thể đến nấu cơm cho gia đình liệt sĩ mà vẫn làm thường xuyên trong nhiều năm qua. Sau khi sáp nhập, sắp xếp lại địa giới hành chính, địa bàn rộng lớn hơn, nhiều gia đình liệt sĩ hơn nhưng địa phương vẫn duy trì hoạt động ý nghĩa này. “Những gia đình mà chúng tôi đến nấu cơm là những hộ neo đơn, khó khăn. Việc làm này không chỉ bày tỏ lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống vì dân tộc, mà còn thể hiện sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng hành và sẵn sàng giúp đỡ thân nhân các liệt sĩ”, chị nhìn nhận.
“Các cháu đến làm mâm cúng rồi cùng ăn cơm khiến tôi thấy thân thuộc, ấm áp như đã là người nhà. Tôi cũng mong bữa cơm này đến với nhiều gia đình liệt sĩ hơn nữa, nhất là những bậc cha mẹ liệt sĩ cao tuổi, neo đơn”. Bà Phan Thị Hương
Nấu cơm cho gia đình liệt sĩ cũng được thực hiện trên nhiều xã phường ở Đà Nẵng, mang đến cho nhiều gia đình liệt sĩ sự ấm cúng, yêu thương. Riêng xã Hòa Vang, 21/21 thôn đều có gia đình liệt sĩ nên dịp 27/7 này xã sẽ làm đám giỗ trên tất cả các thôn. Mỗi thôn chọn một gia đình. Có nhà 2 liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng, có nhà chỉ còn người thân họ hàng.
Ông Nguyễn Thanh Quảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hòa Vang nhìn nhận đây là hoạt động thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ, từ đó nhắc nhở mỗi người cần có trách nhiệm với quê hương, đất nước.