Chàng trai sở hữu nhiều quyền lực của đế chế Ottoman

Thân là cấp phó của quốc vương, Đại Tể tướng thậm chí còn sở hữu nhiều quyền lực hơn trong thời chiến và có thể đưa ra một số quyết định quan trọng mà không cần tham khảo ý kiến quốc vương.

Vào tháng 6 năm 1523, Ibrahim được bổ nhiệm làm Đại Tể tướng: đứng đầu chính phủ, các cơ quan hành chính và quân đội (trừ lực lượng bộ binh). Không có chức vụ nào khác ở Đế quốc Ottoman mang lại nhiều danh dự và quyền lực hoặc nhiều cơ hội làm giàu về mặt vật chất như vậy.

Thân là cấp phó của quốc vương, Đại Tể tướng thậm chí còn sở hữu nhiều quyền lực hơn trong thời chiến và có thể đưa ra một số quyết định quan trọng mà không cần tham khảo ý kiến quốc vương. Mọi thứ đều phải được trình lên cho ông.

Được lấy làm gương mặt đại diện, Ibrahim sớm có được sức mạnh lớn hơn so với các tể tướng khác. Đế chế rộng lớn đến mức Suleiman không thể một mình gánh vác những trách nhiệm nặng nề. Trong mười ba năm, ông luôn tin tưởng vào Ibrahim cũng như vào chính mình. Ngay cả khi người ông yêu mến vắng mặt, thói quen này vẫn còn bén rễ: Quốc vương tiếp tục giao cho Đại Tể tướng của mình mọi quyết định mà không vướng bận trách nhiệm cá nhân.

Là “nô lệ chính” của Quốc vương và trụ cột của nhà nước, Đại Tể tướng được vây quanh trong sự tôn trọng và danh dự gần như ngang bằng với Suleiman. Giống như thống đốc tỉnh, ông được tham dự buổi cầu nguyện thứ Sáu trong một lễ rước long trọng. Vào những ngày lễ, các quan chức lãnh đạo đều đến chúc mừng ông.

Ông được Thượng sĩ (çavuş başi) hộ tống đến gặp quốc vương; ông đã tiếp đón các Trưởng quan chức và Thống đốc vào một thời điểm nhất định và tổ chức Hội đồng trong cung điện, giống như chủ nhân của mình. Ông có quyền ưu tiên hơn tất cả chức sắc hàng đầu, ngoại trừ học giả - người đứng đầu các luật gia mà nghi thức coi là ngang hàng với ông.

Tạo hình nhân vật Ibrahim trong phim Muhtesem Yuzyil (Thời đại hoàng kim).

Chẳng bao lâu sau, Quốc vương đã phong cho Ibrahim một danh hiệu khác: Thống đốc của Rumelia. Danh hiệu này giúp một người được yêu mến như ông có vương quyền trên khắp lãnh thổ Ottoman ở châu Âu, và quyền chỉ huy tất cả quân đội trong khu vực vào thời chiến. Chính ông là người phải tập hợp tất cả kị binh được tài trợ của tỉnh khi Suleiman kêu gọi.

Vị thống đốc của Rumelia (giống như thống đốc ở Tiểu Á có trách nhiệm tương tự) kiếm nguồn thu nhập khổng lồ theo ý của mình, vai trò đại tể tướng giúp mức lương của ông ngày một tăng cao. Vả lại, ông còn liên tục nhận được những món quà từ quốc vương, các quan chức, hoặc những người mong muốn trở thành quan chức, và từ các sứ thần nước ngoài, những người hy vọng được ông nhượng bộ cho vấn đề của họ.

Ibrahim quyền lực và giàu có đã xây dựng cho mình một cung điện xa hoa chưa từng thấy ở Constantinople. Nơi đây gần Seraglio ở rìa Hippodrome (tại Meydani). Chính tại đây, cuộc hôn nhân của ông với Hadice Hanim, em gái của Quốc vương, đã diễn ra. Cả các nhà biên niên sử Ottoman lẫn nước ngoài đều bị ấn tượng trước sự long trọng của buổi lễ và những món quà thể hiện tình bạn sâu sắc mà Suleiman đã ban tặng cho người mình yêu mến.

Một ngai vàng phủ nhung và thêu vàng đã được dựng lên cho vị vua trị vì gần vùng Hippodrome. Lễ cưới mở màn khi lời mời tham dự được Tể tướng thứ hai và một trong số các bộ binh gửi đến cho Suleiman. Họ đã nhận được “những món quà xa hoa nhất” thay cho lời cảm ơn và còn được nghe từ chính miệng Vương chủ đọc bài phát biểu cao quý nhất nhằm ca ngợi Ibrahim.

Các buổi tiệc “hoành tráng nhất” được chiêu đãi cho các tướng lĩnh và chức sắc quân sự. Vào ngày thứ chín - một ngày trước khi cô dâu được đưa đến làm đám cưới từ Seraglio - Suleiman đến cung điện thăm Ibrahim, một nơi nằm giữa hai “bức tường” làm bằng lụa và vải mạ vàng treo trên cửa sổ.

Ông bắt Tiến sĩ luật Hồi giáo Ali Cemali và gia sư hoàng gia, Şems Effendi - sau này bị sa thải vì thiếu hiểu biết - ngồi bên cạnh mình và nghe những vị trí thức nổi tiếng nhất Istanbul “đọ tài” về chủ đề văn học và khoa học. Người cận vệ quý tộc đã dọn một bàn cho riêng Đại Tể tướng và sau đó cho tất cả nhà thần học và luật gia. “Sau đó, họ buộc phải mang theo kẹo và mứt cầu kỳ làm quà.”

Khi trở về Seraglio, Suleiman hay tin cậu con trai Selim II của ông đã chào đời vào đúng ngày kỷ niệm cuộc chinh phạt Constantinople. Hai ngày sau, lễ rước dâu diễn ra và Quốc vương lại vinh danh Ibrahim bằng cách đến thăm cung điện của ông.

Tại đây, sau khi khiêu vũ, đua ngựa, thi bắn cung và các trò tiêu khiển khác, ông thưởng thức những bài thánh ca được sáng tác để vinh danh Đại Tể tướng và người phối ngẫu hoàng gia của ông.

André Clot/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/chang-trai-30-tuoi-so-huu-nhieu-quyen-luc-cua-de-che-ottoman-post1572127.html
Zalo