Thận trọng với thông tin sai sự thật, tin giả về mưa lũ, kêu gọi từ thiện
Những ngày gần đây, một bộ phận người dùng mạng xã hội lợi dụng tình hình mưa bão, ủng hộ đồng bào để tung ra những thông tin sai sự thật, tạo tin giả để lừa đảo cũng như gây hoang mang dư luận xã hội.
Để “câu like”, “câu view”, một người đưa tin thất thiệt về vỡ đê ở địa phận xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) trên mạng xã hội và gây hoang mang dư luận. Ngày 9-9, Công an huyện Yên Dũng, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập người này để làm việc; kiểm tra thông tin trên và khẳng định thông tin vỡ đê trên là sai sự thật.
Từ ngày 8 đến 9-9, trên địa bàn huyện Bát Xát và các địa phương trong tỉnh Lào Cai chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, ngập úng, sạt lở trên diện rộng. Trong lúc này, trên Facebook lại có nhiều tài khoản đăng tải thông tin đập thủy điện Nậm Pung ở huyện Bát Xát bị vỡ, kêu gọi người dân chạy lũ. Chính quyền địa phương đã khẳng định thông tin trên là sai sự thật.
Hay mới đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện những “nhà tiên tri” thông tin miền Nam sắp xuất hiện bão lũ. Trong một clip trên TikTok được khá nhiều người chia sẻ còn đưa thông tin siêu bão sắp vào miền Nam với những từ ngữ “giật gân” như “siêu bão”, “người chết rất nhiều”... Một số clip khác lại tung thông tin cơn bão Gener đổ bộ miền Nam khiến nơi này chìm trong biển nước để thu hút người xem. Tuy nhiên, theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mặc dù Nam Bộ sẽ có mưa lớn kéo dài những ngày tới nhưng việc xuất hiện bão lũ là thông tin sai sự thật.
Với sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, một số đối tượng còn tạo ảnh giả, cắt ghép hình ảnh đau thương… rất giống thật, rồi đăng tải trên mạng xã hội. Chưa kể tình trạng lừa đảo, đăng thư, thông tin kêu gọi ủng hộ của ngành chức năng, nhưng lại thay số tài khoản. Người dân cần hết sức lưu ý để tránh sập bẫy.
Trước thực trạng xuất hiện những thông tin sai sự thật, tin giả về tình hình mưa lũ, kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội; theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức nhà nước; không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng chính xác. Mọi hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật về tình hình thiên tai, bão lũ sẽ bị phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.