Thận trọng và chủ động ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

BHG - Trong bối cảnh số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ có xu hướng gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch trên nhiều quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đây là mức báo động quy mô toàn cầu cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, tài trợ và triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo số liệu của Bộ Y tế, tại Việt Nam ca đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện vào tháng 10.2022. Trong hai năm 2023-2024, nước ta đã có 199 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 8 ca tử vong, tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh có số ca mắc đông nhất với 156 ca mắc mới và 6 ca tử vong. Các ca bệnh đều là nam, tuổi trung bình là 32; 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Đáng chú ý, 55% bệnh nhân là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Để hiểu rõ hơn về dịch bệnh đậu mùa khỉ và cách phòng chống, phóng viên Báo Hà Giang điện tử đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CK I Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Phòng chống truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ CK I Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Phòng chống truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hà Giang điện tử

Bác sĩ CK I Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Phòng chống truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hà Giang điện tử

PV: Thưa bác sĩ, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh gì? Ở tỉnh Hà Giang đã ghi nhận ca nào chưa?

Bác sĩ Nguyễn Tất Thắng: Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có khả năng gây dịch. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, có khả năng lây truyền từ động vật sang người hoặc người sang người qua tổn thương da, giọt bắn đường hô hấp, dịch cơ thể, quan hệ tình dục. Tại tỉnh Hà Giang qua các hệ thống giám sát như tại các cửa khẩu, tại các Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào. Ngoài ra, có 3 tỉnh giáp ranh với Hà Giang là Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái cũng chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.

PV: Xin bác sĩ cho biết biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ như thế nào? Thời gian ủ bệnh và lây nhiễm ra sao?

Bác sĩ Nguyễn Tất Thắng: Các dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: Sốt, đau đầu, đau mỏi lưng và các cơ, mệt mỏi uể oải, nổi hạch, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 đến 3 ngày. Các dấu phát ban có thể xuất hiện ở trên khắp mặt, 95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt, lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%), miệng, mắt bao gồm cả giác mạc và kết mạc, cơ quan sinh dục…Thông thường thì thời gian ủ bệnh có thể từ 5 - 21 ngày, tức là sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện. Một số trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 - 14 ngày.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh). Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo,…) hoặc tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh cũng có thể khiến một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Vì thế, nếu sống chung với người đang mắc bệnh đậu mùa khỉ thì khả năng nhiễm bệnh thường khá cao.

PV: Bác sĩ có thể cho biết pháp đồ điều trị bệnhđậu mùa khỉ nếu người mắc phải bệnh?

Bác sĩ Nguyễn Tất Thắng: Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị đậu mùa khỉ. Tiêm vắc xin đậu mùa có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên hiệu quả vắc xin đậu mùa giảm dần theo thời gian, thuốc kháng virus được xem là phương pháp tiềm năng điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể được dùng thuốc kháng virus tecovirimat có tác dụng điều trị đậu mùa và chống lại virus orthopoxvirus. Ngoài ra, tiến hành điều trại các triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt, truyền dịch, sử dụng kháng sinh và các thuốc chống bội nhiễm, cách điều trị bệnh đậu mùa khỉ tùy thuộc vào tình trạng bệnh và thể trạng của từng bệnh nhân. Khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, người dân nên báo ngay cho các đơn vị y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, tránh nguy cơ lây lan và bùng phát thành đại dịch.

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, nhưng việc tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa có thể làm giảm đến 85% nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

PV: Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc nào, vậy ngành Y tế có khuyến cáo gì để người dân phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 đến 3 ngày. Ảnh: Internet

Bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 đến 3 ngày. Ảnh: Internet

Bác sĩ Nguyễn Tất Thắng: Người dân nên tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ động vật bị bệnh, động vật chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, chỉ ăn các loài động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định. Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh; không chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh.

Cách ly người có triệu chứng bệnh/có nguy cơ nhiễm bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác. Nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật các thông tin bệnh để chủ động phòng tránh.

Cảm ơn bác sĩ đã có những thông tin gửi tới bạn đọc!

Thực hiện: Hồng Cừ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/than-trong-va-chu-dong-ung-pho-benh-dau-mua-khi-1757f0f/
Zalo