Thận trọng nhưng không làm mất cơ hội của doanh nghiệp
Làm rõ một số nội dung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh một số quy định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm đảm bảo vừa thận trọng, vừa không làm mất cơ hội của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm rõ các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.
Đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật
Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp tại phiên họp chiều 24/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo đề xuất của Chính phủ. Các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển.
Thường trực Ủy ban cũng cho rằng, nội dung dự án Luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Doanh nghiệp cùng quy định về thuật ngữ pháp lý “chủ sở hữu hưởng lợi”. Đồng thời, rà soát các dự án Luật đang đồng thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (như dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo), chuyển những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp tại các dự án Luật này sang quy định thống nhất tại dự thảo Luật này.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ tác động làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ khi quy định bổ sung trách nhiệm kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nhất là về điều kiện bảo đảm mức độ đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng tính thuyết phục của đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Có ý kiến đề nghị nêu rõ hơn cơ sở đề xuất và tác động của quy định điều kiện khống chế “có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành” để báo cáo Quốc hội.
Không làm phát sinh thủ tục hành chính
Làm rõ vấn đề liên quan đến thuật ngữ "chủ sở hữu hưởng lợi" được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, đây là thuật ngữ quốc tế của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) do đó khi định nghĩa cần giữ đúng thuật ngữ trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn cần rà soát lại nội hàm để phù hợp với các quy định trong Luật Phòng chống rửa tiền để vừa đáp ứng yêu cầu tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp vừa thống nhất theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.
Liên quan đến ý kiến ủy viên Thường vụ Quốc hội về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ trưởng thông tin, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đảm bảo tương thích với Luật Chứng khoán sửa đổi tại Luật số 56/2024/QH15 năm 2024 của Quốc hội.
Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của công ty đại chúng hay không đại chúng đều là các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rủi ro cao hơn trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép. Do đó, trái phiếu riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư có năng lực tài chính, đặc biệt là có kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, khả năng phân tích rủi ro...
Quy định tại dự thảo Luật về nội dung này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về quản lý thị trường trái phiếu riêng lẻ là cần giới hạn phạm vi nhà đầu tư tham gia thị trường thứ cấp và sơ cấp.
Bộ trưởng cũng làm rõ về cơ sở đề xuất điều kiện với tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ có nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành. Theo Bộ trưởng, Luật Chứng khoán đã sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện giới hạn hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp phát hành ra công chúng. Do đó, cần thiết bổ sung điều kiện giới hạn nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu với doanh nghiệp không đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ để hạn chế rủi ro thanh toán.
Bộ trưởng thông tin thêm, mức đề xuất trên đã được Bộ Tài chính nhiều lần trao đổi thảo luận với các doanh nghiệp, bộ, ngành. Với tinh thần vừa thận trọng vừa không làm mất cơ hội của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất mức này, đồng thời loại trừ đối với doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và công ty chứng khoán, tương tự với doanh nghiệp chào bán cổ phần ra công chúng.
Về khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, quy định này không phát sinh thủ tục hành chính. "Hiện nay, hệ thống điện tử của Bộ Tài chính đã thiết kế trường thông tin này, khi Luật ban hành có thể áp dụng được ngay", Bộ trưởng cho hay.
Sau khi thảo thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng cao nhất để trình Quốc hội theo đúng thời gian quy định.