Thận trọng khi lựa chọn đối tác tổ chức
Mấy năm trở lại đây, sự thành công của các chương trình hòa nhạc đã cho thấy một diện mạo mới của ngành công nghiệp tổ chức biểu diễn.
Với những cái tên như "Những thành phố mơ màng", "Hội thuần hội", "Tomatoes Festival", "Hozo Festival"..., các live concert riêng của nghệ sĩ luôn kín khán giả và đỉnh điểm là các buổi công diễn hàng chục ngàn người tham dự của 2 chương trình "Anh trai say Hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai" cho thấy khâu tổ chức ở Việt Nam đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Chính sự chuyên nghiệp ấy của đội ngũ tổ chức trẻ trung, năng động, chịu học hỏi từ nước ngoài đã tạo sức ép cạnh tranh lớn để những bầu show kiểu cũ dần lui vào hậu trường. Nhu cầu của khán giả đã cao hơn nhiều và do đó, lối tổ chức kiểu cũ đã không còn đáp ứng được đòi hỏi ấy nữa rồi. Lớp bầu show cũ đã phải lựa chọn hoặc là giải nghệ, hoặc là chỉ làm các show hội chợ nhỏ lẻ ở những địa phương xa xôi.
Trong đợt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2024 vừa rồi, buổi hòa nhạc "Bài ca không quên" với chủ đề "Vì nhân dân quên mình" là một trong những hoạt động nổi bật và thu hút sự chú ý của công chúng. Đây là một chương trình được xây dựng công phu về âm nhạc, với những chuyển soạn của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, một nhạc sĩ uy tín gắn liền với nhiều concert giao hưởng. Tuy nhiên, đơn vị tư nhân hợp tác tổ chức chương trình với Truyền hình Quốc phòng vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cao của khán giả hiện nay và khiến cho buổi diễn lẽ ra rất đẹp mắt đã không thể tròn trịa vì những hạt sạn không đáng có.
Ở tiết mục thứ 7 của soprano Phạm Khánh Ngọc, nhiều khán giả ngạc nhiên khi thấy cô chỉ xuất hiện và hát ca khúc "Hà Nội niềm tin và hy vọng" từ đoạn điệp khúc. Những tưởng đó là ý đồ âm nhạc của Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng nhưng cuối cùng, sau tìm hiểu, mọi người mới vỡ lẽ ra là khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp đã gây ra hệ quả này.
Trong kịch bản đường dây của ban tổ chức, tiết mục thứ 7 ấy được ghi là "Hòa nhạc: (nhạc dẫn + Hà Nội niềm tin và hy vọng) Tiến về Hà Nội" trong khi thực tế, phần chuyển soạn chỉ dùng đúng một câu nhạc của bài "Tiến về Hà Nội" để làm mào đầu (intro) cho toàn tiết mục là trình diễn ca khúc "Hà Nội niềm tin và hy vọng".
Chính vì kịch bản chuẩn bị thiếu chuyên nghiệp như vậy, ca sĩ Phạm Khánh Ngọc đã bị hai nhân viên của Ban tổ chức giữ chưa cho lên sân khấu hát dù chị lý giải: "Tới tiết mục của chị rồi". Sự cố này đã khiến tiết mục bị phá hỏng và ý đồ của giám đốc âm nhạc đổ vỡ hoàn toàn.
Chưa hết, phần âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo của chương trình cũng thiếu độ chuyên nghiệp khi các pha xả khói (có tiếng động) không khớp với tiết tấu, nhịp điệu của tiết mục và khiến người nghe cảm thấy như bị làm phiền.
Ngoài ra, khâu tập luyện của buổi diễn này cũng có vấn đề khi ban tổ chức không làm việc sát sao với nghệ sĩ và phải sử dụng người hát thế (cascadeur) cho một vài ca sĩ trong nhiều buổi tập, một việc không thể chấp nhận được. Việc tập luyện là để các nghệ sĩ chính (solo) tìm sự ăn ý, đồng điệu với các nghệ sĩ đồng nghiệp và không thể nào được thực hiện bởi bất kỳ ai đóng thế cả. Đây là điều tối kị trong âm nhạc mà không một nhà tổ chức chuyên nghiệp nào chấp nhận lựa chọn kiểu này cả.
Câu chuyện này để lại một kinh nghiệm rất lớn mà các đơn vị đặt hàng chương trình cần phải lưu tâm. Đó chính là năng lực của đối tác tổ chức sự kiện. Nếu như "Bài ca không quên" được tổ chức bởi một đơn vị chuyên nghiệp như ban tổ chức của các chương trình “Anh trai...” chẳng hạn, chắc chắn chất lượng sẽ ở đúng tầm đẳng cấp của nó. Lựa chọn đúng đối tác tổ chức, nhất là các đối tác hiểu được nghề, hiểu được đòi hỏi cao của khán giả hôm nay, điều đó sẽ tạo ra nền tảng tiên quyết cho thành công của một chương trình. Ngược lại, lựa chọn sai sẽ để lại những hệ lụy không đáng có và những lãng phí không thể nào thu hồi.