Thân thế người phụ nữ Việt Nam duy nhất ký Hiệp định Paris: Là huyền thoại sống, từng làm Phó Chủ tịch nước

Nữ chính trị gia người Việt Nam được bạn bè quốc tế ca ngợi, trân trọng gọi với danh xưng 'Madam Bình'. Bà hiện được xem như huyền thoại sống của nước ta.

Năm 1973, trên bàn đàm phán ở Hiệp định Paris, trong số các đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có sự xuất hiện của một người phụ nữ. Bà là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký kết vào Hiệp định. Ở thế kỷ 20, đó là điều vô cùng đặc biệt và rất thiêng liêng không chỉ với phụ nữ Việt Nam mà còn cả với phụ nữ toàn thế giới.

Người phụ nữ được nhắc đến ở đây là bà Nguyễn Thị Bình (SN 1927), tên khai sinh là Nguyễn Thị Châu Sa. Bà nữ chính trị gia Việt Nam vô cùng nổi tiếng với thế giới. Trong quá trình còn làm việc, bà Nguyễn Thị Bình còn từng giữ chức Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (1992 – 2002).

Bà Nguyễn Thị Bình. Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Bình. Ảnh tư liệu

Ngày 26/5/1927, một cô bé tên Nguyễn Thị Châu Sa chào đời ở làng Tân Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là An Hiệp, Châu Thành, Đồng Tháp). Ngay từ khi sinh ra, thân thế của Nguyễn Thị Châu Sa đã không hề bình thường. Ông ngoại của bà chính là cụ Phan Châu Trinh, một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào dân tộc, dân chủ khoảng đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bình vẫy chào đoàn người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại quảng trường Traqarr ở Luân Đôn (Anh). Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Bình vẫy chào đoàn người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại quảng trường Traqarr ở Luân Đôn (Anh). Ảnh tư liệu

Nguyễn Thị Châu Sa được gia đình cho học tiếng Pháp đến bậc tú tài I ở Lyceé Sisowath (ngôi trường lớn của Đông Dương lúc bấy giờ). Năm 1944, khi đó bà 17 tuổi mới trở về nước, bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào sinh viên học sinh.

Tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập. 1 năm sau, Ban Thống nhất đề cử bà Châu Sa tham gia hoạt động ngoại giao cho Mặt trận nhưng với một cái tên khác để giữ bí mật, cũng là để bạn bè quốc tế dễ đọc. Thế rồi cái tên Nguyễn Thị Bình xuất hiện, từ sau cũng là cái tên vang danh trên mặt trận ngoại giao thế giới.

Bà Nguyễn Thị Bình từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Bình từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1968, bà Nguyễn Thị Bình được chỉ thị tham gia đàm phán ở Paris. Đây là nhiệm vụ vô cùng đặc biệt, yêu cầu phải ký kết được hiệp định để hướng đến chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Tổ quốc.

Năm 1969, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời. Bà Nguyễn Thị Bình được bầu làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tiếp đó, bà lại đến Paris giữ chức vụ Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ lâm thời. Cái tên “Madam Bình” vô cùng nổi tiếng trên trường quốc tế lúc bấy giờ nhờ tài hùng biện sắc bén, khả năng ứng xử khôn khéo.

Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Hữu Thọ, và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN Nguyễn Thị Bình tiếp Đại sứ Ma Li. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Hữu Thọ, và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN Nguyễn Thị Bình tiếp Đại sứ Ma Li. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1973, bà Nguyễn Thị Bình cùng phái đoàn Việt Nam có mặt ở Paris để ký Hiệp định. Sau này nhớ lại giây phút quan trọng trên bàn đàm phán năm đó, bà Nguyễn Thị Bình viết trong cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” như sau:“Tôi được thay mặt nhân dân miền Nam ký vào một văn kiện lịch sử. Kết quả của Hiệp định là bao nhiêu xương máu của đồng bào, đồng chí. Lúc ấy tôi nghĩ đến những người thân quen đã đi xa không được chứng kiến những giờ phút lịch sử này... Xúc động trào nước mắt. Cảm xúc ấy đi cùng tôi suốt cuộc đời”.

Chữ ký của ông Nguyễn Duy Trinh và bà Nguyễn Thị Bình trong Hiệp định Paris. Ảnh: Nhân dân

Chữ ký của ông Nguyễn Duy Trinh và bà Nguyễn Thị Bình trong Hiệp định Paris. Ảnh: Nhân dân

Bà Nguyễn Thị Bình là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Paris. Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Bình là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Paris. Ảnh tư liệu

Sau này, khi thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976 – 1987). Tiếp đến, bà được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng giai đoạn từ 1987 – 1992. Cùng với đó là những chức vụ quan trọng trong nhà nước như: Đảng như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V (03/1982-1986), Đại biểu Quốc hội từ khóa VI đến khóa X (1976-2002).

Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại thủ đô của chính phủ đặt ở Cam Lộ - Quảng Trị, tháng 2-1973. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại thủ đô của chính phủ đặt ở Cam Lộ - Quảng Trị, tháng 2-1973. Ảnh tư liệu

Đến tháng 9/1992, bà Nguyễn Thị Bình được bầu làm Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và được bầu lại vào chức vụ này vào tháng 9/1997. Bà Nguyễn Thị Bình chính là người phụ nữ Việt Nam thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ quốc gia, sau bà Nguyễn Thị Định – Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Theo Sở hữu trí tuệ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/than-the-nguoi-phu-nu-viet-nam-duy-nhat-ky-hiep-dinh-paris-la-huyen-thoai-song-tung-lam-pho-chu-tich-nuoc/20250119033015475
Zalo