Tham vọng thiết lập trật tự thế giới của Ủy ban Ba bên

Sứ mệnh quan trọng nhất của Ủy ban Ba bên chính là việc không ngừng tuyên truyền cho lý tưởng vĩ đại của Chính phủ Thế giới và tiền tệ thế giới để cuối cùng dẫn đến trật tự thế giới mới dưới sự kiểm soát của trục London-Phố Wall.

Ủy ban ba bên

Đất nước chúng ta có thể có chế độ dân chủ vĩ đại, chúng ta cũng có thể tạo nên khối tài sản khổng lồ và khiến chúng tích tụ lại trong tay của một số rất ít người. Thế nhưng, chúng ta không thể cùng lúc có cả hai điều đó.

Zbigniew Brzezinski - Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ

Brzezinski là một nhân vật cốt cán của Ủy ban Ba bên và cũng là cố vấn đắc lực của Davision Rockefeller. Dưới kiến nghị của ông ta, Rockefeller quyết tâm sẽ “đem những bộ óc ưu tú nhất trên thế giới tụ hợp lại với nhau để giải quyết vấn đề tương lai”. Ý tưởng này được đề xuất lần đầu vào đầu năm 1972, và tại hội nghị thường niên Bilderberg, nó đã được đem ra thảo luận “tập thể”.

Tác phẩm Between two ages (Giữa hai thời đại) nổi tiếng của Brzezinski được xuất bản vào năm 1970 nhằm hô hào thành lập một hệ thống tiền tệ quốc tế mới và Chính phủ Thế giới. Cuốn sách này được xem là “thánh kinh” của Ủy ban Ba bên. Và lẽ dĩ nhiên thì cả quỹ Rockefeller lẫn quỹ Ford đều “ủng hộ” vô cùng hào phóng bằng cách nhiệt tình hỗ trợ tài chính cho hoạt động của Ủy ban Ba bên.

Thành viên chủ chốt của Ủy ban đều là các chủ ngân hàng - doanh nghiệp lớn cũng như các chính khách nổi tiếng đến từ Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Ba trụ sở chính của họ được đặt tại New York, Paris và Tokyo, Chủ tịch của mỗi trụ sở được đề xuất thuộc cơ sở tương ứng. Chủ tịch của cơ quan ở New York đương nhiên là Davision Rockefeller, còn Brzezinski thì trở thành chủ nhiệm chấp hành chủ trì công việc thường ngày tại trụ sở này.

 Brezezinski - Tên tuổi quyền lực trong lịch sử chính trường Mỹ. Ảnh: BBC.

Brezezinski - Tên tuổi quyền lực trong lịch sử chính trường Mỹ. Ảnh: BBC.

Brzezinski đã cố gắng giới thiệu Jimmy Carter - Thống đốc bang Georgia - cho Rockefeller để tiến cử Carter gia nhập Ủy ban Ba bên. Nhờ Rockefeller đích thân đề cử, Carter đã được đặc cách tham gia vào ủy ban này. Đây là một bước tiến lớn hết sức quan trọng để làm bước đệm cho việc bước lên vũ đài chính trị của Nhà trắng 5 năm sau, đồng thời cũng là cơ sở và đầu mối cho mối quan hệ mật thiết giữa ông ta và Brzezinski.

Thời trẻ, dưới sự chỉ bảo của Carroll Quigley, Clinton đã không ngừng tham gia một cách vô cùng tích cực vào các tổ chức như Ủy ban Ba bên và Hội đồng Quan hệ Quốc tế, để cuối cùng hoàn thành giấc mơ làm tổng thống của mình.

Cũng như Câu lạc bộ Bilderberg, Ủy ban Ba bên là tổ chức vòng ngoài của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Mỹ. Ủy ban Ba bên và Câu lạc bộ Bilderberg đóng vai trò “thống nhất tư tưởng”và “quản lý tiến độ”; những quyết sách cơ mật và quan trọng nhất của họ chỉ được rất ít người của Phố Wall và London biết.

Sứ mệnh quan trọng nhất của Ủy ban Ba bên chính là việc không ngừng tuyên truyền cho lý tưởng vĩ đại của Chính phủ Thế giới và tiền tệ thế giới để cuối cùng dẫn đến trật tự thế giới mới dưới sự kiểm soát của trục London-Phố Wall.

Năm 1975, Ủy ban Ba bên tiến hành họp ở Nhật Bản, và trong một bản báo cáo mang tên Yếu lược lặp lại thương mại và tài chính thế giới đã chỉ ra rằng: “Sự hợp tác mật thiết giữa ba bên (Mỹ, Âu, Nhật) là nhằm duy trì bảo vệ hòa bình, quản lý kinh tế thế giới, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm đói nghèo và tăng thêm cơ hội hòa bình cho một hệ thống thế giới mới”.

Điểm khác nhau giữa Ủy ban Ba bên và Câu lạc bộ Bilderberg là Ủy ban Ba bên tiếp nhận rất nhiều nhà tài phiệt ngân hàng và các ông chủ doanh nghiệp mới nổi trong nền kinh tế đương đại của Nhật Bản nhằm mở rộng nền tảng của “giới tinh anh thế giới.” Các ông chủ ngân hàng quốc tế thừa hiểu tầm quan trọng của việc không ngừng tiếp nhận các “nhân tài” mới đối với một “sự nghiệp vĩ đại” như thành lập hệ thống “Chính phủ Thế giới”, “tiền tệ thế giới” và “thu thuế thế giới” trong tương lai. Vì thế, cùng với sự phát triển của các quốc gia ở châu Á, những phần tử tinh anh của khu vực này cũng trở thành đối tượng được các ông chủ ngân hàng quốc tế để mắt tới.

Rốt cuộc, vấn đề không phải là một “Chính phủ Thế giới” có tốt hay không, mà là ai sẽ là người lãnh đạo “Chính phủ Thế giới” này? Hay liệu nó có thể hoạt động một cách quang minh chính đại để đưa sự giàu có và tiến bộ đến với tất cả người dân trên thế giới hay không? Bởi từ thực tế xã hội hơn 200 năm qua, chúng ta đều có thể thấy rằng hầu như chưa ai có thể tin vào sự hứa hẹn của các nhân vật tinh anh này.

Trải qua bao chiến tranh loạn lạc và kinh tế suy thoái, cuối cùng người dân cũng rút ra một chân lý: Không có tự do kinh tế thì tự do chính trị cũng chỉ là phù phiếm, không có bình đẳng kinh tế thì chế độ dân chủ cũng xem như cây mất gốc và trở thành công cụ mặc sức cho đồng tiền đùa giỡn.

Còn nếu nói bản chất của tự do chính là người dân có đầy đủ quyền lựa chọn, thì con đường của Chính phủ Thế giới trong tương lai cũng chỉ có một và các nhân vật tinh anh thế giới chính là những người chọn lựa con đường này cho dân chúng. Và theo như lời của ông chủ Ngân hàng James Warburg, con trai của Paul Warburg thì: “Chúng ta cần phải xây dựng một Chính phủ Thế giới bất kể người ta có thích nó hay không. Chỉ có một vấn đề duy nhất là Chính phủ Thế giới này rốt cuộc cũng sẽ được thiết lập nên từ nhận thức chung (của hòa bình) hay là sự chinh phục (của uy lực).”

Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/tham-vong-thiet-lap-trat-tu-the-gioi-cua-uy-ban-ba-ben-post1548623.html
Zalo