Tham vọng của các công ty năng lượng Mặt trời Trung Quốc
Hiện nay, một số công ty Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm chỗ đứng tại thị trường năng lượng Mặt trời của Mỹ.
Theo South China Morning Post ngày 14/1, thị trường Trung Quốc bão hòa và rào cản thương mại gia tăng ở nước ngoài làm giảm triển vọng của các nhà sản xuất tấm pin Mặt trời Trung Quốc.
Vài giờ trước khi cử tri bắt đầu đi bầu tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, hội đồng quản trị của nhà sản xuất tấm pin Mặt trời hàng đầu Trung Quốc Trina Solar đã quyết định bán nhà máy mới khai trương tại Texas cho nhà sản xuất pin Freyr của Mỹ với giá hơn 300 triệu USD. Giá chuyển nhượng bao gồm 100 triệu USD tiền mặt, 150 triệu USD trái phiếu (nhiều hơn số tiền đầu tư ban đầu là 200 USD) và 19,08% cổ phần tại Freyr sẽ cho phép Trina tham gia sâu vào việc vận hành và quản lý.
Ông Ron Cai - luật sư có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc điều hướng các giao dịch kinh doanh giữa Mỹ và Trung Quốc nhận định: "Tôi nghĩ đây là một trường hợp truyền cảm hứng và là tài liệu tham khảo tốt cho các công ty năng lượng".
Giới quan sát đang tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề: khi sự bất ổn trong lĩnh vực năng lượng xanh và thái độ ít thân thiện đối với các công ty Trung Quốc gia tăng sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, liệu việc khai thác thị trường Mỹ có còn đáng để mạo hiểm hay không?
Trong khi một số công ty đã tạm dừng kế hoạch tiến vào thị trường Mỹ thì nhiều công ty khác vẫn không muốn từ bỏ thị trường tấm pin Mặt trời lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc).
Giám đốc C&D Clean Energy (trụ sở tại Nam Kinh), Li Deyan, cho biết: “Thực ra, chỉ vì chính sách liên tục thay đổi nên chúng tôi mới có cơ hội. Nếu chính sách vẫn không thay đổi thì chúng tôi không thể kiếm được nhiều tiền. “Khi chính sách của Mỹ liên tục thay đổi, chỉ cần phán đoán của chúng ta chính xác thì thực sự rất dễ tạo ra lợi nhuận”.
Sau khi đạt được vị thế gần như độc quyền trong mọi mắt xích của chuỗi cung ứng năng lượng Mặt trời, các nhà sản xuất Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong tình trạng dư thừa công suất. Nguyên nhân do thị trường trong nước bão hòa và rào cản thương mại ngày càng gia tăng ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.
Xây dựng nhà máy ở nước ngoài là giải pháp mà các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến, bắt đầu từ các nước Đông Nam Á như một con đường vòng trên con đường đến thị trường Mỹ. Nhưng con đường đó đã bị chặn lại sau khi Washington áp đặt thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá lên tới 271,2% đối với các sản phẩm năng lượng Mặt trời được sản xuất tại bốn nước Đông Nam Á vào năm 2024.
Điều đó dẫn đến việc đầu tư trực tiếp vào Mỹ nổi lên như một lựa chọn khả thi nhất, với các nhà máy mọc lên khắp nước Mỹ mà không gặp nhiều trở ngại.
Cai - đối tác tại Công ty luật Zhong Lun có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Cho đến nay, đối với ngành năng lượng Mặt trời, Chính phủ Mỹ không nghĩ rằng sản phẩm này có vấn đề gì”.
Khi hoạt động sản xuất năng lượng sạch của Mỹ bùng nổ - được thúc đẩy bởi những khoản tín dụng thuế hấp dẫn cho các sản phẩm năng lượng Mặt trời do Mỹ sản xuất được đưa vào Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022, thị trường Mỹ đã mang đến cho các nhà sản xuất Trung Quốc nhiều cơ hội tiềm năng. Các công ty do Trung Quốc hậu thuẫn đã công bố hoặc phát triển khoảng 26 gigawatt công suất sản xuất mô-đun năng lượng Mặt trời hàng năm tại Mỹ (ước tính công suất lắp đặt là 40,5 gigawatt vào năm 2024).
Tuy nhiên, kỷ nguyên đó có thể kết thúc khi ông Trump - người ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp dầu mỏ trở lại Nhà Trắng vào tuần tới và Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Điều đó có thể là một đòn mạnh cho các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng Mặt trời mà Trung Quốc hậu thuẫn ở Mỹ. Nhiều khả năng cả Trung Quốc và năng lượng Mặt trời đều sẽ không còn được chào đón ở Mỹ.
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Grape Solar, Ocean Yuan, cho biết: “Những suy nghĩ và hành động bảo thủ có thể đang tiến triển nhanh chóng ở Mỹ, bao gồm những thay đổi trong chính sách năng lượng liên quan đến các công ty điện Mặt trời”. Ông đánh giá, nhiều nhà sản xuất năng lượng Mặt trời Trung Quốc có kế hoạch đầu tư vào Mỹ đang không chắc chắn về con đường phía trước. Nếu ông Trump tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc lên 60%, chi phí cho các nhà sản xuất tại Mỹ lấy nguyên liệu thô và phụ tùng từ Trung Quốc sẽ tăng đáng kể.
Tháng trước, Washington tuyên bố sẽ tăng gấp đôi thuế đối với tấm wafer năng lượng Mặt trời và polysilicon do Trung Quốc sản xuất (nguyên liệu thô quan trọng trong chuỗi cung ứng quang điện) lên 50% kể từ đầu năm 2025. Ông Yuan đánh giá, tình hình đang trở nên “ngày càng phức tạp hơn, cả phía cung và phía cầu đều ngày càng lo lắng”.
Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng đang tìm cách loại trừ các nhà máy do Trung Quốc hậu thuẫn khỏi việc nhận trợ cấp theo IRA. Ông Christian Roselund - nhà phân tích chính sách cấp cao tại công ty tư vấn Clean Energy Associates có trụ sở tại Mỹ - nói: “Đây là mối quan ngại đáng kể”. Các công ty Trung Quốc sẽ cần phải từ bỏ quyền kiểm soát các nhà máy sản xuất pin và năng lượng Mặt trời tại Mỹ cho các đối tác không phải người Trung Quốc. Đó chính là cách tiếp cận được Trina Solar áp dụng.
Roselund cho biết: "Vì vậy, đối tác Trung Quốc sẽ chủ yếu phải ở phía sau với tư cách là người nhận tiền bản quyền cho việc sử dụng tài sản trí tuệ. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến một số lượng lớn nhà máy sản xuất pin và năng lượng Mặt trời".
Hiện nay, một số công ty Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm chỗ đứng tại thị trường năng lượng Mặt trời của Mỹ. Vào tháng 12, công ty Haiyou New Materials có trụ sở tại Thượng Hải đã thông báo rằng họ có ý định đầu tư vào một dự án công nghệ màng mỏng tại Mỹ. Đối với các công ty kinh doanh silicon tinh thể thông thường, mặc dù có ít chỗ cho các nhà máy sản xuất tấm pin mới, một số công ty Trung Quốc tin rằng vẫn còn nhiều tiềm năng cho những khoản đầu tư mới ở thượng nguồn vào những phân khúc như tấm wafer Mặt trời và pin Mặt trời.