Tham vấn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
ĐTO- Sáng ngày 13/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức hội thảo “Tham vấn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp (DLNN) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, đại diện nhiều khu, điểm du lịch…
DLNN, nông thôn là mô hình du lịch trải nghiệm được xây dựng, tổ chức lấy hoạt động sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, phục vụ khách hàng có nhu cầu tham quan, giải trí hoặc giáo dục tại địa phương. Đến đây, du khách có thể tham quan, tham gia trực tiếp vào các hoạt động như: trồng, thu hoạch, chế biến nông sản, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống… Loại hình này không chỉ mang đến sự trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách mà còn mang lại cho người dân thêm một khoản thu nhập từ hoạt động du lịch.
Tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Giám đốc Sở VHTT&DL chia sẻ, phát triển du lịch có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Phát triển DLNN, nông thôn được xác định là một trong những giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.
Là một tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp cũng xác định du lịch sinh thái, nông nghiệp là một trong những loại hình ưu tiên. Điều này đã thể hiện rất rõ trong Đề án phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 -2025, định hướng đến năm 2030 với 13 loại hình du lịch ưu tiên và riêng DLNN được đề xuất xây dựng 8 bộ sản phẩm: “Tui làm nông dân xứ Sen hồng”, kể chuyện nhà nông, khám phá Làng hoa Sa Đéc - Hương sắc trăm năm, Tháp Mười – Vương quốc sen hồng, Cao Lãnh – Xứ sở xoài, Lai Vung – Thế giới quýt hồng, Hồng Ngự - Thủ phủ cá tra, học kỳ nông nghiệp.
DLNN tại Đồng Tháp được xác định là chiến lược, trụ cột, căn bản, toàn diện, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là một mắt xích quan trọng trong kéo dài chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây, nhưng bước đầu đã mở rộng được không gian, góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của quê hương – văn hóa - con người Đồng Tháp.
Đến nay tỉnh có hơn 100 điểm tham quan DLNN trải đều khắp 12 huyện, thành phố đang hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tâm huyết về giải pháp phát triển DLNN trên địa bàn tỉnh. Chuyên gia Ngô Quốc Khang - Giám đốc Công ty TNHH SMART KING Việt Nam đề xuất giải pháp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm DLNN, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, đã lưu ý sự cần thiết của việc đầu tư đường đi, lối đi tạo sự thoải mái cho du khách, tạo sự đặc sắc, tránh sự trùng lặp với các điểm khác. Ông Nguyễn Hoài Bảo – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Wildbird, chia sẻ nhiều ý kiến về xây dựng sản phẩm, mô hình DLNN, nông thôn đặc trưng nổi trội và có khả năng cạnh tranh. TS. Nguyễn Thành Nam - giảng viên Đại học Hoa Sen, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại – dịch vụ du lịch Gia Phong, trình bày về xây dựng chuỗi sản phẩm dịch vụ DLNN, nông thôn gắn với hình thành tour du lịch nội tỉnh và liên vùng dựa trên thế mạnh đặc trưng địa phương. ThS. Đinh Hiếu Nghĩa - Trưởng Khoa Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch - Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ nêu giải pháp xây dựng điểm đến DLNN phù hợp thị hiếu thị trường khách du lịch hiện nay…
Qua các ý kiến về đánh giá kết quả, đề xuất thiết thực cho hoạt động của các điểm, mô hình DLNN, nông thôn, giúp cho tỉnh có những định hướng sát thực tiễn, khoa học, nhất là các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn để thúc đẩy phát triển DLNN trong thời gian tới.