Tham vấn chuyên gia, hoàn thiện phương án khảo sát, xây dựng Bộ chỉ số FTA Index

Để thực hiện thành công Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) hàng năm của các địa phương, một trong những nội dung quan trọng nhất là xây dựng Bảng câu hỏi điều tra cho doanh nghiệp tại các địa phương, phương pháp điều tra và phương pháp tính toán để xây dựng Bộ chỉ số FTA Index.

Chiều 30/9, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp Tổ chuyên gia nhằm tham vấn ý kiến đối với Bảng câu hỏi khảo sát cho doanh nghiệp, phương pháp khảo sát và phương pháp tính toán để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) tại các địa phương năm 2024.

Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp Tổ chuyên gia tham gia ý kiến với Bảng câu hỏi khảo sát cho doanh nghiệp, phương pháp khảo sát và phương pháp tính toán để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) tại các địa phương năm 2024.

Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp Tổ chuyên gia tham gia ý kiến với Bảng câu hỏi khảo sát cho doanh nghiệp, phương pháp khảo sát và phương pháp tính toán để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) tại các địa phương năm 2024.

Khảo sát doanh nghiệp tại các địa phương, tính toán xây dựng Bộ chỉ số FTA Index

Phát biểu tại cuộc họp, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Trong khuôn khổ triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA), tại Công văn số 1153/VPCP-QHQT ngày 15 tháng 2 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương “chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định CPTPP hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương để nâng cao hiệu quả trong việc thực thi Hiệp định”.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 28 tháng 6 năm 2022, tại Công văn số 3660/BCT-ĐB, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) hàng năm của các địa phương.

Ngày 31 tháng 8 năm 2022, tại Công văn số 5678/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý phê duyệt Đề án xây dựng FTA Index, đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án.

Trên cơ sở chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, ngày 11 tháng 01 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ công tác FTA Index sau khi đã tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan. Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các thành viên của Tổ công tác FTA Index xây dựng và thông qua Bộ tiêu chí và điều kiện đối với đơn vị được lựa chọn để triển khai Đề án FTA Index.

Trong năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các thành viên Tổ công tác FTA Index và các đơn vị có liên quan triển khai việc lựa chọn đơn vị thực hiện Đề án FTA Index dựa trên Bộ tiêu chí và điều kiện đã được Tổ công tác FTA Index thông qua năm 2023 theo đúng quy trình, thủ tục hiện hành.

Căn cứ vào Quyết định số 1314/QĐ-VP ngày 20 tháng 09 năm 2024 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 01: “Cung cấp dịch vụ điều tra, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) tại các địa phương”, Trường Đại học Ngoại thương là đơn vị được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ này.

"Để thực hiện thành công Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) hàng năm của các địa phương năm 2024, một trong những nội dung quan trọng nhất là việc xây dựng Bảng câu hỏi khảo sát cho doanh nghiệp tại các địa phương, phương pháp khảo sát và phương pháp tính toán để xây dựng Bộ chỉ số FTA Index", ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, đại diện Tổ công tác FTA Index thông tin về Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) hàng năm của các địa phương.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, đại diện Tổ công tác FTA Index thông tin về Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) hàng năm của các địa phương.

Cơ sở thông tin tin cậy đánh giá hiệu quả thực thi các FTA

Tại cuộc họp, PGS.TS. Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, đơn vị được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ "Cung cấp dịch vụ điều tra, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) tại các địa phương" đã trình bày về phương án điều tra, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số.

Theo đó, việc tổ chức điều tra khảo sát, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) tại các địa phương nhằm đáp ứng các mục đích:

FTA Index phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương, đặc biệt đánh giá đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng;

FTA Index là thông tin bổ sung tin cậy giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, từ đó giúp khuyến khích các dòng đầu tư chất lượng cao tận dụng cơ hội từ các FTA;

FTA Index là cơ sở thông tin quan trọng để tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác thực thi FTA tại các địa phương;

FTA Index giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan trung ương trong việc hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ các FTA;

FTA Index giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng nhằm thực thi các FTA từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát trên tại địa phương;

FTA Index giúp tạo động lực tăng cường quan tâm của các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp đối với việc khai thác và tận dụng các FTA cũng như công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo phương án đề xuất, dự kiến thực hiện điều tra, khảo sát theo phương pháp chọn mẫu đối với 4.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu hàng hóa hoặc nhập khẩu hàng hóa. Các doanh nghiệp tham gia điều tra, khảo sát đảm bảo các tiêu chí chọn mẫu về loại hình doanh nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh chính và số năm sản xuất kinh doanh thuộc một số ngành kinh tế trực tiếp liên quan đến tận dụng các FTA theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018).

Nội dung điều tra, khảo sát, bên cạnh những thông tin chung về doanh nghiệp sẽ tập trung vào đánh giá của doanh nghiệp dựa trên 4 nhóm nhiệm vụ trong Kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA) của Chính phủ. Trong đó:

Nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến thông tin bao gồm: Mức độ nhận biết của doanh nghiệp về các FTA; hoạt động tuyên truyền, phổ biến các FTA tại địa phương; việc cung cấp thông tin và yêu cầu cua thị trường do cơ quan địa phương cung cấp;

Nhiệm vụ Xây dựng pháp luật bao gồm: Việc nắm bắt các văn bản pháp luật thực thi các FTA của doanh nghiệp; sự hỗ trợ, hướng dẫn cua các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương trong việc tìm hiểu và nắm bắt các văn bản pháp luật liên quan; chất lượng giải đáp vướng mắc;

Việc tận dụng các FTA và Nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực bao gồm: Việc tận dụng các FTA của doanh nghiệp; việc ban hành các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp của cơ quan quản lý Nhà nước địa phương: hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI;

Nhiệm vụ thực hiện các cam kết về phát triển bền vững (lao động và môi trường) bao gồm: Việc nắm bắt các cam kết về phát triển bền vững của doanh nghiệp: Khả năng tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững của doanh nghiệp; sự hỗ trợ của cơ quan quan lý Nhà nước địa phương cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.

Thời gian thực hiện điều tra, khảo sát và thu thập thông tin dự kiến trong tháng 10, 11/2024.

PGS.TS. Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương trình bày trình bày về phương án điều tra, khảo sát, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số FTA Index.

PGS.TS. Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương trình bày trình bày về phương án điều tra, khảo sát, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số FTA Index.

Cần xem xét sự tương thích với các bộ chỉ số khác đã có

Đánh giá cao kế hoạch triển khai Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) do Bộ Công Thương làm đầu mối chủ trì thực hiện, cũng như phương án điều tra, khảo sát tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số FTA Index do Trường Đại học Ngoại thương thực hiện, các chuyên gia trong Tổ chuyên gia FTA Index tham dự cuộc họp tập trung trao đổi, đóng góp thêm ý kiến cho một số nội dung.

TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị về đối tượng điều tra, khảo sát, Nhóm thực hiện cần phân loại các doanh nghiệp tham gia khảo sát theo loại hình, quy mô, lĩnh vực ngành hàng hoạt động, theo địa bàn... để xem xét cụ thể hiện trạng, mức độ tận dụng các FTA của doanh nghiệp như thế nào; nên chú trọng thông tin khảo sát về sự liên kết, kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp tại các thị trường FTA.

Cùng với đó, TS. Lương Văn Khôi cũng góp ý thêm đối với phương pháp chọn mẫu; phương pháp tính chỉ số FTA Index; việc sử dụng nguồn số liệu. Đồng thời khuyến nghị cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống khảo sát và xếp hạng chỉ số FTA Index bằng trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia khảo sát.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc xây dựng các Bộ chỉ số như FTA Index cần xem xét sự cần thiết và sự tương thích với các bộ chỉ số khác đã có; cần xác định rõ ràng mục tiêu, kết quả đầu ra của nghiên cứu khảo sát. Quá trình khảo sát cần có sự nghiên cứu các trường hợp cụ thể về tận dụng FTA (case study).

Bên cạnh đó, TS. Võ Trí Thành đề nghị Nhóm thực hiện xem xét bổ sung thêm các chỉ tiêu cụ thể liên quan tới chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… và nội dung những câu hỏi khảo sát liên quan tới chia sẻ rủi ro, cách thức ứng phó với rủi ro khi hội nhập, giao thương với các đối tác FTA, sự phản hồi của doanh nghiệp về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thực hiện FTA...

Tán thành những ý kiến đóng góp của các chuyên gia khác, PGS.TS. Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh góp ý thêm về đối tượng khảo sát; việc chọn mẫu doanh nghiệp khảo sát; nội dung bảng câu hỏi khảo sát...

Trong khi đó, đại diện Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (Viện TBI) cho rằng nên bổ sung mã số thuế của doanh nghiệp được khảo sát từ đó có thể tổng hợp, phân loại được mức độ tận dụng các FTA theo ngành hàng, lĩnh vực hoạt động.

"Trước khi thực hiện khảo sát toàn bộ đối tượng nên chăng thực hiện khảo sát điển hình trên một số doanh nghiệp đại diện; từ kết quả khảo sát điển hình sẽ có cơ sở để triển khai khảo sát toàn bộ đối tượng doanh nghiệp cần khảo sát sát thực hơn, hiệu quả hơn", đại diện Viện TBI đề nghị.

Đại diện Nhóm thực hiện phương án điều tra, khảo sát tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số FTA Index cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các chuyên gia; thực hiện rà soát, chỉnh sửa bảng câu hỏi, phương án khảo sát, phương án tính toán để có thể xây dựng Bộ chỉ số như mục tiêu Đề án đề ra.

Thời gian tới, Tổ công tác FTA Index và Nhóm thực hiện nhiệm vụ "Cung cấp dịch vụ điều tra, tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) tại các địa phương" sẽ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các Bộ, ban, ngành và các đối tượng có liên quan để hoàn thiện phương án điều tra, khảo sát và xây dựng Bộ chỉ số FTA Index theo kế hoạch, nhiệm vụ được giao.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tham-van-chuyen-gia--hoan-thien-phuong-an-khao-sat--xay-dung-bo-chi-so-fta-index-127414.htm
Zalo