Tham vấn cho Việt Nam đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Ngày 5-11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức Hội thảo kỹ thuật với chủ đề 'Hướng tới Busan - Kịch bản cho Việt Nam'.

Hội thảo tổ chức trước thềm Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, phiên thứ 5 (INC-5) (sẽ diễn ra từ ngày 24-11 đến 1-12-2024 tại Busan, Hàn Quốc), hội thảo hướng đến mục tiêu tham vấn và xây dựng phương án đàm phán, kịch bản của Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Thỏa thuận toàn cầu khi được thông qua, có hiệu lực thực thi sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới, thậm chí sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kinh tế nhựa từ thiết kế sản phẩm đến sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế các sản phẩm nhựa... Yêu cầu đặt ra là cần khẩn trương chuẩn bị nội dung tốt nhất cho Đoàn đàm phán Việt Nam tham dự Hội nghị INC-5 ở Busan, Hàn Quốc, nhất là tập trung những nội dung tác động đến Việt Nam, bao gồm về chính sách pháp luật, những rào cản kỹ thuật (nếu có).

Ông Vũ Thái Trường, quyền Trưởng ban Môi trường Biến đổi khí hậu và Năng lượng của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận động cho các điều khoản trong Thỏa thuận để đảm bảo hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển. Điều này sẽ bao gồm nhu cầu hỗ trợ cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận, chẳng hạn như lực lượng phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhựa.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Ông Hoàng Thành Vĩnh, chuyên gia về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn của UNDP tại Việt Nam cho rằng, sẽ có một số tác động bất lợi nhất định đến nền công nghiệp nhựa trị giá hơn 20 tỷ USD của Việt Nam nếu Thỏa thuận thông qua các quy định về kiểm soát và loại bỏ hóa chất quan ngại trong sản xuất nhựa. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng về các giải pháp hóa chất và phụ gia thay thế, điều này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến xuất khẩu, giảm thiểu tính cạnh tranh của các sản phẩm nhựa từ thị trường Việt Nam, thậm chí tác động đến việc làm của gần 300.000 lao động trong ngành nhựa. Tuy vậy, phía UNDP cũng cho rằng lợi ích về sức khỏe và môi trường là rõ ràng, đồng thời mở ra cơ hội cho khối doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tìm kiếm các vật liệu và giải pháp thay thế nhựa truyền thống.

Tin, ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tham-van-cho-viet-nam-dam-phan-thoa-thuan-toan-cau-ve-o-nhiem-nhua-801726
Zalo