THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN LỰC (SỬA ĐỔI)
Chiều 14/8, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đồng chủ trì Phiên họp.
Dự phiên họp có Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; các đồng chí Phó Chủ nhiệm và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội một số tỉnh; lãnh đạo Bộ Công thương; đại diện một số bộ, ngành…
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 36, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ.
Đến nay, Luật Điện lực đã được sửa đổi 4 lần, qua đó đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, qua gần 20 năm thi hành, Luật Điện lực bộc lộ bất cập, vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, đáp ứng các mục tiêu đề ra, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật, khắc phục tồn tại, hạn chế của luật hiện hành trong thực tiễn triển khai. Vì vậy, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Thời gian qua, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương tổ chức nhiều cuộc khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc với doanh nghiệp, lấy ý kiến chuyên gia đóng góp ý kiến hoàn thiện. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị đại biểu tham dự cho ý kiến vào phạm vi điều chỉnh; hồ sơ dự án luật; việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong dự thảo luật; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; cho ý kiến vào 06 nhóm chính sách lớn do Chính phủ trình…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài trình bày tóm tắt Tờ trình dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, dự thảo luật đã bám sát 06 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và không bổ sung chính sách mới. 06 nhóm chính sách gồm: (1) Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; (2) Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; (3) Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; (4) Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; (5) Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; (6) An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, về cơ bản Thường trực Ủy ban cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương; xử lý, tháo gỡ vướng mắc trong quy định của pháp luật hiện hành; tạo điều kiện phát triển các dự án điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội; tăng cường tính minh bạch, hướng tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh; thực hiện cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về điện lực.
Hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện về số liệu để đảm bảo tính thống nhất. Dự án luật cơ bản cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tuy vậy cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho ý kiến bước đầu về những nội dung cụ thể của dự thảo luật, như phạm vi điều, đối tượng điều chỉnh, bố cục và các nội dung cơ bản của dự thảo luật…
Tham gia ý kiến tại Phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện; xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng bền vững…
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi các quy định nhằm đảm bảo tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Quy hoạch. Dự thảo luật có 06 nhóm chính sách lớn, được thể hiện tại 121 điều, cụ thể hóa nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nhiều nội dung mới, do vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng về kiến nghị thông qua dự thảo luật theo quy trình một kỳ họp.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung chính sách về điều tra cơ bản năng lượng tái tạo, từ đó có chiến lược phát triển lĩnh vực này. Cơ bản đồng tình với quan điểm thực hiện cơ chế bù chéo giá điện giữa các khách hàng và giữa các vùng miền, có ý kiến đề nghị cần quy định về lộ trình thực hiện. Khi xây dựng giá điện cần thực hiện đúng quy định của Luật Giá, theo đó nếu xác định điện là hàng hóa đặc biệt, nên quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định giá điện, Bộ Tài chính, Bộ Công thương là đơn vị giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành các bảng giá điện đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Đối với thị trường điện cạnh tranh, một số đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế để các đối tượng, tổ chức, cá nhân có quyền mua bán điện trực tiếp trong phạm vi nhất định, để không ảnh hưởng chung đến mạng lưới điện quốc gia; đồng thời có cơ chế tạo bình đẳng giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh…
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, các ý kiến đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc các quy định liên quan đến áp dụng pháp luật; rà soát tính đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với hệ thống pháp luật; điều khoản chuyển tiếp… Báo cáo thẩm tra cũng làm rõ quan điểm đối với từng nhóm chính sách Chính phủ trình, trong đó có nhóm chính sách về giá điện; thời điểm thông qua luật; tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36…
Một số hình ảnh tại Phiên họp: