THẮM TÌNH ĐOÀN KẾT QUÂN - DÂN (*): 'Cá - nước' ở vùng biên
Sau nhiều năm '3 bám, 4 cùng' với người dân, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã góp phần làm thay đổi diện mạo địa bàn vùng biên Quảng Trị
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã góp phần tạo thành quả đó bằng những việc làm, mô hình thiết thực.
25 năm đóng quân ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 337 (Quân khu 4) đã thực sự mang lại luồng gió mới, thay đổi nhận thức và cả điều kiện kinh tế cho người dân nơi đây. Hình ảnh "bộ đội 337" đã trở nên quen thân với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.
Nhiều mô hình hiệu quả
Đoàn KT-QP 337 được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án Khu KT-QP Khe Sanh gồm 13 xã đặc biệt khó khăn thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị. Địa bàn đóng quân của đơn vị trải dài 127 km, dọc tuyến biên giới Việt - Lào. Nơi đây có đến 94% là người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, điều kiện còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, kể từ khi "bộ đội 337" về đây, cuộc sống người dân thay đổi hẳn.
Có dịp đến thăm Đội sản xuất 9, Trung đoàn 52, Đoàn KT-QP 337 - đóng tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) - chúng tôi không khỏi bất ngờ trước các mô hình phát triển chăn nuôi, sản xuất được đầu tư bài bản, mang lại hiệu quả cao, như mô hình chăn nuôi dê sinh sản, nuôi bò 3B, bò lai sind, heo bản địa, vịt…
Thiếu tá Phạm Ngọc Châu, Phó Đội trưởng Đội sản xuất 9, cho biết ngày nào cũng có người dân tìm đến đơn vị để tham quan các mô hình. Sau khi được cán bộ đơn vị tận tình bày vẽ, hỗ trợ con giống, cây trồng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi, sản xuất và mang lại thu nhập ổn định.
Điển hình như gia đình anh Hồ Ma (ngụ thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng). Gia đình anh Hồ Ma vốn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, Đoàn KT-QP 337 đã trao tặng gia đình anh cặp dê giống, cử cán bộ đến nhà hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng. Từ cặp dê giống ban đầu, anh Hồ Ma đã phát triển đàn dê lên hàng chục con, tạo sinh kế ổn định cho gia đình.
Đặt chân đến xã Hướng Phùng những ngày này cũng là thời điểm người dân thu hoạch dong riềng để chuẩn bị ăn Tết. Mô hình phát triển cây dong riềng do Đoàn KT-QP 337 triển khai đã mang đến thu nhập khá cho người dân.
Thiếu tá Lê Văn An, Phó Đội trưởng Đội Giao thông thủy lợi, Công ty Xây dựng Đoàn KT-QP 337, cho hay nhờ canh tác dong riềng, nhiều hộ có thu nhập từ 40-50 triệu đồng/vụ, cao hơn cả trồng sắn, lúa. Hiện có hơn 100 hộ dân ở xã Hướng Phùng trồng dong riềng, nhiều hộ đã vươn lên, thoát nghèo.
Ngoài các mô hình trên, thời gian qua, Đoàn KT-QP 337 còn triển khai thực hiện nhiều mô hình khác mang lại hiệu quả cao như: mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở thôn Hồ (xã Hướng Sơn), thôn Cù Bai (xã Hướng Lập); chăn nuôi bò 3B ở thôn Doa Cũ (xã Hướng Phùng); mô hình trồng cây cà phê, chanh leo ở làng thanh niên lập nghiệp thôn Mã Lai Pun (xã Hướng Phùng); mô hình thâm canh lúa nước ở thôn Tri (xã Hướng Lập), Coóc (xã Hướng Linh)...
Theo đại tá Uông Đình Tân, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 337, sau 25 năm thực hiện nhiệm vụ KT-QP, từ những vùng đất khô cằn, các thôn bản ở huyện Hướng Hóa như Chênh Vênh, Khe Gió, A Sóc, Tà Puồng, Sê Pu... đã thực sự chuyển mình. Nơi biên giới phía Tây tỉnh Quảng Trị giờ mang sắc diện mới với những ngôi nhà sàn kiên cố, bản làng trù phú, những điểm sáng văn hóa. Sự có mặt của "bộ đội 337" và tình đoàn kết quân dân keo sơn, gắn bó đã tạo nên vành đai vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân.
Hết lòng vì nhân dân
Trong giai đoạn 2000-2024, cùng với việc hỗ trợ, phát triển kinh tế, Đoàn KT-QP 337 đã bàn giao cho các địa phương đưa vào sử dụng có hiệu quả nhiều công trình giao thông nông thôn, điện, nước sạch, thủy lợi, y tế, giáo dục… Để giúp nhân dân ổn định cuộc sống, các đơn vị thuộc Đoàn KT-QP 337 còn chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương lồng ghép nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng. Đến nay, Đoàn KT-QP 337 đã sắp xếp được 681 hộ gia đình ổn định tại chỗ và di dời đến nơi ở mới; xây dựng được 9 điểm dân cư tập trung quy mô từ 10 đến 34 hộ...
Thực hiện "Chương trình cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường", Đoàn KT-QP 337 đã nhận nuôi, hỗ trợ đỡ đầu trên 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 55 em mồ côi. Bên cạnh đó, thời gian qua, hàng ngàn suất quà đã được đơn vị này trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội trị giá hàng trăm triệu đồng cho người dân trên địa bàn...
Đặc biệt, đóng quân trên địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, Đoàn KT-QP 337 xác định nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ là nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình. Những năm qua, với tinh thần "phía trước là nhân dân", "bộ đội 337" không quản ngại nguy hiểm, băng mình giữa dòng nước lũ ứng cứu, sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Đại tá Uông Đình Tân, khẳng định Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 337 thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở các xã vùng khó khăn. Phần lớn các chương trình, dự án, mô hình do đơn vị triển khai mang lại hiệu quả cao, nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại khu vực đóng quân.
Nhiều phần thưởng cao quý
Đoàn KT-QP 337 tiền thân là Sư đoàn Bộ binh 337 (Quân khu 4), thành lập ngày 28-7-1978. Vừa mới được thành lập, Sư đoàn được lệnh tăng cường cho Quân khu 1 làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Lạng Sơn.
Năm 1999, thực hiện Nghị quyết 150 của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Sư đoàn đổi tên thành Đoàn KT-QP 337, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu KT-QP Khe Sanh; đồng thời, làm nhiệm vụ quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên ở 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Với những kết quả đạt được, Đoàn KT-QP 337 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3; 2 lần tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3; nhiều năm liền được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng cờ thi đua, nhiều tập thể, cá nhân được các cấp tặng thưởng các phần thưởng cao quý.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-12