Thăm rẫy ngày mưa
Lâu lắm rồi tôi mới theo mạ đi thăm rẫy ngày mưa. Băng qua cánh đồng, đi bộ chừng thêm một quãng xa nữa là đến ngọn đồi sau làng. Rẫy nhà tôi nằm phía bên kia ngọn đồi ấy.
Mùa mưa, con đường mòn nhỏ dẫn lên đồi phủ đầy cỏ dại. Dây chạc chìu vươn ra đường, thi thoảng lại níu lấy chân ai qua. Ngày mưa ẩm ướt nhưng lại thơm tho mùi của cây lá. Đường vào rẫy, ngày nhỏ tôi đi cùng mạ không biết bao nhiêu lần. Đi đến khi thấy chân mỏi nhừ là đến nơi.
Ngày mưa đi thăm rẫy chẳng có gì vui. Núi đồi hoang vắng quá. Ngoài tiếng cây lá xào xạc và tiếng nước mưa rơi lóc tóc trên lá, chỉ có tiếng vọng bước chân của hai mạ con. Tôi đi theo sau mạ, thật giống mình của mấy mươi năm trước. Mạ tôi già rồi, nhưng rõ ràng bước chân của người phụ nữ chuyên lên rừng lên rẫy vẫn còn chắc khỏe lắm. Bây giờ với tôi, rẫy nhà vẫn như thế, xa hun hút giữa gió mưa. Nhất là khi tiếng con cu gáy vọng lên từ xa xa, khiến chiều mùa đông xám xịt nơi núi đồi càng thêm hoang vắng.
Vạt cỏ tranh đã vươn cao bít cả liếp cửa tre vào rẫy. Nếu mùa hè, thế nào mạ cũng đào một ít cỏ tranh mang về nấu nước. Những bông cỏ tranh còn sót lại, nhàu nhĩ trong mưa. Mạ cầm cây rựa đi quanh thăm thú. Khi cột lại hai cành tre làm hàng rào lâu ngày đã đứt dây buộc. Khi chặt cây chuối bị gió mưa xô trốc gốc. Khi bứt mấy dây leo quấn trên thân cây hồng già. Cây hồng đã rụng hết lá, trên cành chỉ còn lưa thưa vài quả cuối mùa. Những quả hồng màu đỏ bị màn mưa xam xám che mất.
Mạ nói mấy luống gừng tốt ghê rồi nhổ thử mấy bụi. Gương mặt mạ rạng rỡ lên khi nhìn những én gừng to tròn dính đầy đất đen. Năm nay gừng được mùa, mạ nói đợi thêm ít hôm để chợ Tết rộn ràng thêm chút nữa là có thể nhổ về bán cho người ta sên mứt. Mạ nói, Tết nhứt đến, chỉ trông chờ vào mấy luống gừng để sắm sửa trong ngoài.
Lên rẫy đi một vòng là có đủ thứ trong giỏ. Một nắm lá chè xanh mang về nấu nước uống. Mấy bắp hoa chuối tím thẫm vừa trút xong buồng. Vài ba mụt măng tre mập ú. Thêm một quả mít non là đầy chiếc giỏ cói mạ mang theo.
Đường về nhà lúc nào cũng đi nhanh. Ngang qua một rẫy keo tràm vừa đốt xong sau khi thu hoạch, rau má non mọc dày như vại cải, vậy là hai mạ con quẹo vào. Mùa mưa là mùa rau má giòn ngọt nhất, lại thanh ngọt non mềm. Ngon nhất vẫn là những cây rau má mới lên, chỉ vừa mọc ra năm ba ngọn lá. Người dân quê tôi gọi đó là rau má một hoặc rau má chúm. Gọi là rau má chúm vì cây con chỉ mới be bé, chúm chím như những nụ hoa. Còn gọi là rau má một là để phân biệt với cây rau má chùm. Rau má một còn non, chỉ một thân một mình đơn lẻ. Đến khi cây đủ lớn, sẽ mọc ra nhiều chồi và nhảy cây con, khi đó nó có tên mới là rau má chùm. Chỉ cần nhổ cây mẹ là kéo theo một chùm dây dợ của cây con. Cây rau má chùm lúc đó vừa già vừa có vị đắng, các dây dợ “đính kèm” rất dai, ăn không còn ngon nữa.
Hái rau má chúm thích nhất là cứ ngồi lì một chỗ rồi tỉ mẩn nhổ từng cây rau bé xíu. Nếu rau má chùm, chỉ cần nhổ một cây là kéo lên cả chùm nên nhanh đầy giỏ, thì nhổ rau má một mất công nhiều, những cây rau nhỏ xíu, nhổ cả buổi trời cũng chỉ được một bụm đầy. Rau má chúm ngon nên hầu như chỉ để dành ăn sống. Kho một chén nước ruốc thật thơm. Chấm một đũa rau vào chén nước ruốc sóng sánh tỏi ớt. Nhai chầm chậm để nghe âm thanh giòn giòn của rau bị ép xuống, tứa ra vị ngọt thanh thanh.
Nghe con gà rừng cất tiếng gáy mới nhận ra chiều ở núi xuống thật nhanh. Cơn mưa đã tạnh từ lâu, chỉ còn cái rét lạnh ở núi thấm qua lớp áo mưa khiến tim như co lại. Đường về nhà chợt bước nhanh hơn, khi nghĩ đến bữa cơm chiều bên bếp lửa. Dĩa rau má xanh non chấm cùng chén nước ruốc bốc khói thơm lừng như nhen một bếp lửa hồng vào ngày đông lạnh lẽo.