Thẩm quyền xử phạt vi phạm của thanh tra giao thông quy định thế nào?

Tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, đề xuất rõ thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định: Thanh tra GTVT được xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

Thanh tra giao thông vận tải có thẩm quyền trong xử phạt đối với hành vi vi phạm về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và kiểm định xe cơ giới (ảnh minh họa).

Thanh tra giao thông vận tải có thẩm quyền trong xử phạt đối với hành vi vi phạm về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và kiểm định xe cơ giới (ảnh minh họa).

Về thẩm quyền xử phạt đối với từng cấp bậc, dự thảo Nghị định trên quy định, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500 nghìn đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Thanh tra viên cũng được tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1 triệu đồng;

Chánh Thanh tra Sở GTVT, Thủ trưởng cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Cục Đường bộ VN, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở GTVT, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Đường bộ VN, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Cục Đường bộ VN có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 37,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 75 triệu đồng đồng.

Tùy từng cấp bậc, vị trí, thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông vận tải sẽ khác nhau. Trong đó, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Đường bộ VN có thẩm quyền xử phạt cao nhất (ảnh minh họa).

Tùy từng cấp bậc, vị trí, thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông vận tải sẽ khác nhau. Trong đó, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Đường bộ VN có thẩm quyền xử phạt cao nhất (ảnh minh họa).

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ GTVT có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 52,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Tước quyền, sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 105 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định đề xuất Chánh Thanh tra Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Đường bộ VN có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Như vậy, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Đường bộ VN được đề xuất có thẩm quyền xử phạt cao nhất và được quyền tịch thu tang vật, phương tiện mà không bị giới hạn về giá trị của tang vật này.

Mặt khác, dự thảo Nghị định còn quy định: Công chức thuộc Thanh tra Sở GTVT đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở GTVT.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tham-quyen-xu-phat-vi-pham-cua-thanh-tra-giao-thong-quy-dinh-the-nao-192240811152102477.htm
Zalo