Tham quan dự án trồng sâm công nghệ cao tại tỉnh Lai Châu
Ngày 24-5, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh (Trường Sinh Group) tổ chức chuyến tham quan thực tế dự án trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu sử dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Đây là dự án được Công ty hợp tác cùng Công ty cổ phần Sao Đỏ Tây Bắc và các đối tác thuộc quỹ ABB của Singapore cùng triển khai.
Tham gia chuyến tham quan thực tế có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Gia Lai gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Báo Gia Lai và Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai.

Lãnh đạo Lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh giới thiệu mô hình trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu bằng công nghệ cao. Ảnh: Đoàn Bình
Dự án trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu được triển khai trên địa bàn xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu từ năm 2022 trên diện tích 15.000m2 và sử dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới hiện đại nhập khẩu từ Nhật Bản, qua đó giúp cho người quản lý điều khiển được ánh sáng phù hợp và độ ẩm cho cây trồng.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Sao Đỏ Tây Bắc giới thiệu về giống sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu. Ảnh: Đoàn Bình
Tại đây hiện có gần 400 ngàn cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu từ 1 đến 4 tuổi đang được trồng để tuyển chọn làm cây giống bố mẹ. Bên cạnh đó, hàng chục lao động là đồng bào dân tộc thiểu số Mông Hoa đã được tuyển chọn vào làm công nhân chăm sóc các vườn sâm.

Đồng bào dân tộc thiểu số Mông Hoa chăm sóc sâm Ngọc Linh. Ảnh: Đoàn Bình
Ông Lê Quang Trung-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Đỏ Tây Bắc đánh giá: Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là địa phương có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp để nuôi trồng nhiều loại cây dược liệu quý hiếm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu.
“Riêng đối với giống sâm Ngọc Linh được trồng tại đây được tuyển chọn giống từ thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Qua gần 4 năm trồng thì hiện tại sâm Ngọc Linh đang phát triển rất tốt, đã ra hoa và tỷ lệ sống đạt trên 90%. Qua phân tích và kiểm nghiệm từ Viện Dược liệu, Bộ Y tế mới đây cho thấy, hàm lượng saponin toàn phần của những cây sâm Ngọc Linh 4 tuổi đạt kết quả rất cao, đạt gần 21%; hàm lượng majonosid-R2 đạt gần 6%”-ông Lê Quang Trung thông tin.

Ông Lê Quang Trung-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Đỏ Tây Bắc (bên phải) giới thiệu với Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên (bên trái) về quy trình trồng sâm công nghệ cao. Ảnh: Đoàn Bình
Đồng thời, ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh cho biết: “Dự kiến tại khu vực này trong năm 2025, chúng tôi phát triển lên từ 800 ngàn đến 1 triệu cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu. Với kết quả bước đầu thu được, trong thời gian không xa, chúng tôi dự kiến sẽ đưa mô hình này về trồng tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai với quy mô vài triệu cây để cung ứng cho thị trường sâm Việt Nam”.

Lãnh đạo các đơn vị tham quan mô hình trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu. Ảnh: Đoàn Bình
Qua tham quan thực tế, nhiều đại biểu cho rằng, việc các đơn vị triển khai dự án trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu sử dụng hệ thống nhà kính, nhà màng hiện đại tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu bước đầu thu được những tín hiệu hết sức khả quan. “Dù cần có thêm thời gian để đánh giá hiệu quả mà mô hình đem lại, song việc triển khai mô hình tương tự như thế này ở Gia Lai là có sơ sở và phù hợp, giúp chúng ta khai thác được nguồn dược liệu quý hiếm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ”-ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai cho biết thêm.
Video: Tham quan dự án trồng sâm công nghệ cao tại tỉnh Lai Châu