Thẩm phán có lạm quyền khi niêm phong nhà?

Bà Lê Thị Minh Hiền (SN 1982, ngụ TP.Quảng Ngãi) vừa có đơn gửi đến Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM. Theo đó, bà Hiền là bị đơn trong vụ án dân sự về việc 'Tranh chấp hợp đồng thuê nhà' được Tòa án nhân dân (TAND) TP.Quảng Ngãi thụ lý số 182/2024/TLST-DS ngày 14/6/2024. Người được phân công trực tiếp giải quyết vụ án là Thẩm phán (TP) Trần Quí.

Thẩm định khi vắng bóng… đương sự

Ngày 21/4/2023, bà Hiền ký hợp đồng (HĐ) thuê căn nhà số 188 đường Phan Bội Châu (P.Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi) của ông Võ Duy Thiện, thời hạn thuê là 5 năm. Đến đầu năm 2024 thì hai bên phát sinh một số tranh chấp, ông Thiện đã khởi kiện yêu cầu TAND TP.Quảng Ngãi giải quyết vụ việc.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 26/8/2024, ông Trần Quí ban hành Thông báo về việc xem xét, thẩm định tại chỗ số 339/TB-TA đối với nhà đất nêu trên. Thời gian tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ là vào lúc 08 giờ sáng 05/9/2024. Sau khi bà Hiền được thông báo về thời gian tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, bị đơn có báo lại với TP Quí là dịp nghỉ lễ, gia đình về quê nên ngày 05/9/2024 chưa có mặt để mở cửa cho Tòa án vào thẩm định.

Tuy nhiên, hết kỳ nghỉ lễ, khi gia đình bà Hiền từ quê lên thì mới tá hỏa phát hiện căn nhà thuê đã bị khóa cửa, niêm phong. Sau khi kiểm tra lại camera thì bị đơn phát hiện ngày 05/9/2024, TP Quí đã tự ý mở cửa vào thẩm định, sau đó cho niêm phong căn nhà. Hiện tại, căn nhà bị niêm phong, gia đình bà Hiền không biết phải ở đâu, tài sản trong nhà cũng không biết như thế nào, trong đó có cả vật nuôi là chó cảnh. Bà Hiền thuê căn nhà ngoài mục đích để ở thì còn đầu tư thêm một số tiền rất lớn (khoảng 2 tỷ đồng) để làm spa, nay bị niêm phong thì cũng không thể kinh doanh.

LS Đặng Thị Thúy Huyền - Công ty Luật HPL và cộng sự, TP.HCM

LS Đặng Thị Thúy Huyền - Công ty Luật HPL và cộng sự, TP.HCM

Bà Hiền là người thuê nhà, đang trực tiếp quản lý, sử dụng căn nhà, có HĐ thuê và đang còn trong thời hạn. Mặc dù có phát sinh các tranh chấp, nhưng Tòa án đang thụ lý giải quyết, chưa có Bản án có hiệu lực pháp luật, cũng không có bất kỳ quyết định khẩn cấp tạm thời hay ngăn chặn, phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành thì căn nhà số 188 đường Phan Bội Châu vẫn thuộc quyền sử dụng và là chỗ ở hợp pháp của gia đình bà Hiền.

"Việc TP Quí tự ý mở cửa căn nhà để thẩm định khi chưa có sự đồng ý của tôi là trái quy định pháp luật. Hơn nữa, TP đột ngột niêm phong căn nhà là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu lạm quyền, ảnh hưởng đến quyền sử dụng tài sản của tôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình" - bà Hiền bức xúc.

Để thông tin khách quan, đa chiều, sáng 10/9, chúng tôi đã liên hệ với TP Quí. Thẩm phán này cho biết, ngày 05/9 vừa qua đã thẩm định tài sản tranh chấp tại chỗ, do bị đơn (bà Hiền) không tham gia nên tòa án đã niêm phong. Vụ việc đã được tòa thụ lý hơn 3 tháng. Theo ông Quí, việc niêm phong tạm thời là để giữ tài sản trong đó, trong khi bên cho thuê nhà (ông Thiện) yêu cầu chấm dứt HĐ. Việc niêm phong theo giải thích của ông Quí là "không cho bên nào vào hết". Việc niêm phong này theo ông Quí là đúng.

Hiện bị đơn đã có đơn tố cáo hành vi lạm quyền và xâm nhập chỗ ở bất hợp pháp của TP Quí gửi đến Cục Điều tra Hình sự (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao), Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi và TP.Quảng Ngãi, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và TP.Quảng Ngãi.

LS Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh

LS Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh

Luật sư nói gì?

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định pháp luật tố tụng dân sự, niêm phong là một trong những biện pháp để bảo vệ chứng cứ, tuy nhiên việc áp dụng phải đúng theo quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 110 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định, "chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được" thì đương sự có quyền đề nghị Tòa án (bằng văn bản) quyết định áp dụng biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ, từ đó Tòa án có thể quyết định áp dụng biện pháp niêm phong. Như vậy, việc niêm phong chỉ được thực hiện trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được.

Ông Võ Duy Thiện cho bà Lê Thị Minh Hiền thuê căn nhà tại số 188 đường Phan Bội Châu với thời hạn là 5 năm. Có thể thấy, căn nhà trên vẫn đang được sử dụng để ở và kinh doanh, không có dấu hiệu của việc có nguy cơ bị tiêu hủy, đang bị tiêu hủy hoặc khó có thể thu thập được sau này. Việc TP Quí cho rằng niêm phong tạm thời căn nhà trên là để "giữ tài sản trong đó” là không phù hợp và không tuân thủ đúng theo quy định pháp luật tố tụng dân sự, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Hiền. Ngoài ra, Điều 22 Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”, việc TP Quí tự ý mở cửa căn nhà số 188 đường Phan Bội Châu vào thẩm định ngày 05/9/2024 trong khi không có sự cho phép và không có mặt bà Hiền đang có dấu hiệu của hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp.

Căn nhà bị Thẩm phán Quí niêm phong

Căn nhà bị Thẩm phán Quí niêm phong

Tương tự, LS Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty Luật HPL và cộng sự, TPHCM) nhận định, tòa ra quyết định (QĐ) xem xét thẩm định tại chỗ, trong trường hợp đương sự không hợp tác thì TP ra QĐ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, giao cho Thi hành án (THA) cùng cấp. THA ra QĐ thi hành QĐ của Tòa (thi hành cưỡng chế mở cửa ...). Tổ chức THA cần phải có Tòa/ THA và địa phương chứng kiến. Trong trường hợp đương sự chống đối, TP có quyền ra QĐ xử phạt hành chính. Nếu có niêm phong tài sản là nguyên đơn yêu cầu Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời niêm giữ tài sản. Các QĐ trên Tòa ban hành và THA ban hành phải tống đạt hợp lệ cho các đương sự. Lưu ý, mở cửa hoặc niêm phong nhà đương sự là THA làm, chứ TP không được làm thao tác đó.

ĐĂNG NGUYÊN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/tham-phan-co-lam-quyen-khi-niem-phong-nha_167300.html
Zalo