Thẩm phán chặn sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Trump

Một thẩm phán liên bang đã chặn việc thực thi sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hạn chế cấp quyền công dân tự động cho trẻ em sinh ra tại Mỹ, gọi sắc lệnh này là 'hoàn toàn vi hiến'.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Thẩm phán John Coughenour ở Seattle đã ban hành lệnh cấm tạm thời theo sự thúc giục của bốn tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo - Washington, Arizona, Illinois và Oregon - nhằm ngăn cản chính quyền thực thi sắc lệnh này. Ông Trump ký sắc lệnh hôm 20/1, trong ngày đầu tiên ông trở lại Nhà Trắng.

Thẩm phán John Coughenour đã gây ra thất bại pháp lý đầu tiên đối với các chính sách cứng rắn về nhập cư, vốn là trọng tâm trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.

"Chúng tôi sẽ kháng cáo", ông Trump nói về phán quyết của thẩm phán Coughenour.

Theo sắc lệnh được Tổng thống Trump ký hôm 20/1, chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, chính quyền liên bang sẽ không cấp hộ chiếu, giấy chứng nhận quốc tịch hoặc các giấy tờ khác cho trẻ em có mẹ đang ở Mỹ bất hợp pháp hoặc tạm thời, và có cha không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân.

Sắc lệnh của Tổng thống Trump, nếu được duy trì, sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký. Ông thừa nhận rằng sắc lệnh có khả năng phải đối mặt những thách thức pháp lý.

Các bang lập luận rằng, sắc lệnh của ông Trump đã vi phạm quyền được ghi nhận trong điều khoản về quyền công dân của Tu chính án thứ 14 Hiến pháp Mỹ, quy định rằng bất kỳ ai sinh ra ở Mỹ đều là công dân nước này.

"Tôi đã làm việc trên ghế thẩm phán trong hơn bốn thập kỷ. Tôi không thể nhớ ra có bất kỳ trường hợp nào khác tương tự thế này. Đây là một sắc lệnh hoàn toàn vi hiến", thẩm phán Coughenour nói về quyết định của ông Trump.

Phán quyết của thẩm phán Coughenour, được công bố sau phiên điều trần ngắn tại một phòng xử án đông đúc với sự theo dõi của các thẩm phán khác, ngăn chặn việc thực thi chính sách của ông Trump trên toàn quốc trong 14 ngày. Đồng thời, thẩm phán sẽ xem xét liệu có nên ban hành lệnh cấm có hiệu lực lâu dài hay không.

Luật sư Bộ Tư pháp Brett Shumate lập luận rằng hành động của ông Trump là hợp hiến, và gọi bất kỳ phán quyết nào ngăn chặn nó là "hoàn toàn không phù hợp".

Bộ Tư pháp có kế hoạch nộp hồ sơ vào tuần tới để thúc giục thẩm phán không ban hành lệnh cấm dài hạn, ông Shumate cho biết.

Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp cũng khẳng định, cơ quan này có kế hoạch tiếp tục "bảo vệ mạnh mẽ" lệnh của ông Trump.

"Chúng tôi mong muốn trình bày một lập luận đầy đủ trước tòa án và trước người dân Mỹ, những người đang rất mong muốn luật pháp của quốc gia chúng ta được thực thi", người phát ngôn nhấn mạnh.

Tổng chưởng lý bang Washington - Nick Brown, một thành viên đảng Dân chủ - cho biết ông không tin Bộ Tư pháp sẽ có thể lật ngược phán quyết của thẩm phán Coughenour. "Bạn là công dân Mỹ nếu bạn sinh ra trên lãnh thổ Mỹ. Chấm hết", ông Brown nói. "Không có gì mà tổng thống có thể làm để thay đổi điều đó".

Theo các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, hơn 150.000 trẻ sơ sinh sẽ bị từ chối quyền công dân mỗi năm nếu lệnh của ông Trump có hiệu lực.

Kể từ khi ông Trump ký lệnh, ít nhất sáu đơn kiện đã được đệ trình để thách thức lệnh này, hầu hết là của các nhóm dân quyền và tổng chưởng lý đảng Dân chủ từ 22 bang.

Trong một bản tóm tắt được đệ trình vào cuối ngày 23/1, Bộ Tư pháp gọi lệnh này là "một phần không thể thiếu" trong nỗ lực của ông Trump "nhằm giải quyết vấn đề nhập cư của quốc gia này và cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biên giới phía nam".

Minh Hạnh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tham-phan-chan-sac-lenh-cua-tong-thong-my-trump-post1712006.tpo
Zalo