Thăm những ngôi chùa ở xứ Thanh

Từ xưa đến nay, những ngôi chùa thiêng trên mảnh đất xứ Thanh luôn là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đến với chùa, nếu không để tìm sự thanh tịnh, bình an trong cõi lòng thì du khách thập phương cũng có dịp được chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa, kiến trúc đặc sắc mà lớp người đi trước đã kỳ công tạo dựng.

Chùa Tăng Phúc, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), điểm đến hấp dẫn du khách.

Chùa Tăng Phúc, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), điểm đến hấp dẫn du khách.

Chùa Tăng Phúc, làng Hạc Oa, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), từ bao đời nay luôn là ngôi chùa nổi tiếng được đông đảo người dân, du khách tìm đến dâng hương, vãn cảnh. Chùa được xây dựng trên sườn núi Thổ Sơn, mặt quay hướng Nam. Từ chân núi, bước qua hàng chục bậc đá du khách sẽ lên đến chùa, nếu đứng từ chùa nhìn xuống thì có thể bao quát được toàn bộ phong cảnh trù phú, bình yên của xóm làng xung quanh. Ngay trước mặt chùa là cây đa cổ thụ hơn trăm năm tuổi xum xuê tán lá. Bên cạnh đó là giếng nước của làng được người dân gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Cho đến nay, không có một tư liệu nào cho biết niên đại khởi dựng chùa Tăng Phúc. Còn theo các cụ cao tuổi trong làng thì chùa được xây dựng ở đầu làng, vào quãng niên hiệu Dương Hòa (1635-1643) đời vua Lê Thần Tông và được chuyển xuống vị trí ngày nay vào năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771). Lịch sử chùa còn gắn liền với thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân làng Hạc Oa. Vào những năm 1964-1972 trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Trong thời gian này, chùa Tăng Phúc đã trở thành một địa điểm hậu phẫu của mặt trận Hàm Rồng - Nam Ngạn. Tại đây hàng trăm lượt thương binh, bộ đội, dân quân đã được các tăng ni, phật tử chăm sóc. Nhiều chiến sĩ hy sinh đã được nhà chùa và Nhân dân địa phương an táng...

Ngoài ra, theo lời kể của các cụ cao niên tại làng Hạc Oa thì chùa Tăng Phúc còn là nơi thờ cụ Nguyễn Văn Cung (tức Đội Cung), một chiến sĩ yêu nước thời kháng chiến chống Pháp. Do đó, ngoài giá trị về lịch sử phật giáo, lịch sử vùng đất, chùa còn mang những giá trị to lớn về tinh thần yêu nước, hy sinh đóng góp của tăng ni, phật tử chùa Tăng Phúc đối với đất nước. Sau năm 1972, chùa chỉ còn lại tàn tích, một phần diện tích của chùa bị các hộ dân chiếm dụng làm nhà ở. Năm 1998, chùa Tăng Phúc được Ni Sư Thích Nữ Đàm Hương, Ủy viên Thường trực Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng Ban trị sự Phật giáo TP Thanh Hóa, tái lập và trụ trì. Đến năm 1999, chùa Tăng Phúc được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh... Với bề dày lịch sử và cảnh quan tươi đẹp, thoáng mát, thanh tịnh nên chùa Tăng Phúc luôn thu hút được đông đảo du khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Ngược miền Tây xứ Thanh, du khách ghé thăm chùa Mèo, thị trấn Lang Chánh (Lang Chánh). Đến chùa, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian trong lành và thanh tịnh mà còn được nghe những câu chuyện lịch sử hết sức huyền bí gắn liền với những sự kiện quan trọng của thời nhà Lê và Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn. Theo sử sách ghi lại, chùa Mèo được xây dựng từ thế kỷ thứ 13, nằm trên một quả đồi thuộc làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (nay là thị trấn Lang Chánh), ban đầu có tên là chùa Chu. Tương truyền, khi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi và nghĩa quân đã vào chùa Chu thắp hương khấn Phật, cầu nguyện cho sự nghiệp kháng chiến thắng lợi. Đánh đuổi giặc Minh xong, Lê Lợi đã ra sắc chỉ đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo. Thế kỷ thứ 18, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh thắng lợi đã có Chiếu chỉ tu sửa, tôn tạo chùa Mèo. Năm 2005, chùa Mèo được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, chùa Mèo đã được các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân quan tâm trùng tu, tôn tạo, trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân và du khách thập phương.

Trải dài suốt mảnh đất xứ Thanh còn có khá nhiều ngôi chùa linh thiêng, đã và đang trở thành địa điểm thu hút đông du khách đến tham quan, như: chùa Giáng (Vĩnh Lộc), chùa Mậu Xương (Quảng Xương), chùa Thanh Hà (TP Thanh Hóa), chùa Đót Tiên (thị xã Nghi Sơn)... Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các ngôi chùa đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, như bố trí kinh phí, dành nhiều nguồn lực và đẩy mạnh huy động xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các ngôi chùa thêm khang trang, sạch đẹp. Ngoài ra, việc phát huy giá trị của các ngôi chùa gắn với phát triển du lịch cũng được quan tâm đẩy mạnh... Từ đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân, mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tham-nhung-ngoi-chua-o-xu-thanh-234626.htm
Zalo