Thăm ngôi nhà Bác Hồ từng ở trước khi đi tìm đường cứu nước

Cùng với Bến Nhà Rồng, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, Quận 5 là một di tích vô cùng quý giá về Bác Hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Căn nhà nhỏ đơn sơ này được gọi bằng cái tên trân trọng và gần gũi: 'Nhà Bác Hồ'.

Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi đến thăm Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Căn nhà nhỏ bé, giản dị ấy ngày nay vẫn lưu giữ những nét kiến trúc xưa cùng những hình ảnh lưu niệm, tư liệu quý về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở đây trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Ngôi nhà gồm một trệt và một lầu, tổng thể diện tích khoảng 35m2, nền lát gạch bông, cửa sắt kéo. Tầng trệt được ngăn tách thành hai gian. Gian trước đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bên vách tường trưng bày chủ yếu các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911.

Khu vực bàn thờ được đặt ở gian trước ngôi nhà để các đoàn có thể đến tham quan, dâng hương và tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu vực bàn thờ được đặt ở gian trước ngôi nhà để các đoàn có thể đến tham quan, dâng hương và tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Gian sau có một cầu thang gỗ dẫn lên lầu. Tầng lầu trưng bày các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các thế hệ tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đón tiếp chúng tôi, thuyết minh viên Nguyễn Thị Trâm Anh cho biết, trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã dừng chân tại đây, nơi từng là trụ sở của Liên Thành phân cuộc - một chi nhánh của Liên Thành thương quán.

Thuyết minh viên Nguyễn Thị Trâm Anh giới thiệu về bộ đồ ka-ki trắng và những kỷ vật giản dị từng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thuyết minh viên Nguyễn Thị Trâm Anh giới thiệu về bộ đồ ka-ki trắng và những kỷ vật giản dị từng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Liên Thành thương quán ra đời vào ngày 6-6-1906 tại Phan Thiết theo sự gợi ý của cụ Phan Châu Trinh. Đây là một trong những tổ chức kinh tế do các nhà yêu nước sáng lập trong phong trào Duy Tân, với mục tiêu phát triển nền kinh tế dân tộc để làm nền tảng cho công cuộc chấn hưng đất nước. Cuối năm 1906, Liên Thành thương quán mở rộng quy mô hoạt động và thành lập chi nhánh tại Sài Gòn mang tên Liên Thành phân cuộc. Chi nhánh này không chỉ là một cơ sở kinh doanh mà còn là nơi hội họp, liên kết các chí sĩ yêu nước trong phong trào Duy Tân.

Trước khi đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành từng rời Huế vào Phan Thiết theo sự giới thiệu của cụ Trương Gia Mô - một người bạn thân thiết của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Người. Tại Phan Thiết, Người đã dạy học tại Trường Dục Thanh - một ngôi trường do Liên Thành thương quán sáng lập. Với lòng trăn trở về vận mệnh đất nước, Nguyễn Tất Thành sớm nhận ra rằng để cứu nước, cần phải tìm hiểu sâu rộng về thế giới bên ngoài. Do đó, Người quyết định rời Phan Thiết vào Sài Gòn để tìm cơ hội. Tháng 9-1910, dưới sự giúp đỡ của tổ chức Liên Thành, Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn với giấy tờ mang tên Văn Ba. “Hai ngày đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, Người đã sống tại nhà ông Lê Văn Đạt - một người bà con bên mẹ của cụ Trương Gia Mô, tại số 185/1 đường Dumortier (nay là đường Cô Bắc, Quận 1). Tuy nhiên, sau đó, Người chuyển đến Liên Thành phân cuộc tại số 1-2-3 Quai Testard (tức đường Tổng Đốc Phương trước đây), nay là căn số 1-3-5 đường Châu Văn Liêm, phường 4, Quận 5. Trong số cụm 3 căn nhà này thì hiện nay chỉ còn căn số 5 được lưu lại làm di tích lưu niệm về Bác Hồ”, thuyết minh viên Nguyễn Thị Trâm Anh thông tin thêm.

Liên Thành phân cuộc không chỉ là nơi cung cấp chỗ ở và việc làm cho Nguyễn Tất Thành trong thời gian Người ở Sài Gòn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Người tiếp cận với những người yêu nước có tư tưởng tiến bộ. Trong thời gian sống và làm việc tại ngôi nhà nhỏ này, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tìm hiểu về đời sống của nhân dân lao động Nam Kỳ.

Theo như các cụ trong Công ty Liên Thành chia sẻ, Người từng tham gia học tại Trường Cơ khí Á Châu Sài Gòn - trường chuyên đào tạo cho các công nhân lành nghề về cơ khí và thường xuyên làm việc cho các tàu của Pháp. Nhờ sự giới thiệu của những người trong Hội Liên Thành, Người tìm đến Bến Nhà Rồng và xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville, một con tàu viễn dương của Pháp.

Chị Trâm Anh cho biết thêm, theo lời kể của các cụ trong công ty Liên Thành, đêm 3-6-1911, Nguyễn Tất Thành đã quay trở lại ngôi nhà này để gặp gỡ, cảm ơn và chào tạm biệt đến các cụ trong công ty - những người đã từng giúp đỡ Người trong thời gian vừa qua. Tại đây, công ty đã trích quỹ may cho Bác 2 bộ quần áo vải và gửi tặng 18 đồng bạc Đông Dương để làm hành trang đi đường. Tuy nhiên, Người chỉ đồng ý nhận 2 bộ quần áo vải, không nhận tiền. Và theo như chúng ta đã biết, đến ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lúc này lấy tên là Văn Ba đã lên tàu của Pháp, chính thức rời Sài Gòn, khởi đầu cho hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Căn nhà trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu quý liên quan đến hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Căn nhà trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu quý liên quan đến hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1988, trở thành một điểm đến ý nghĩa cho những ai muốn tìm hiểu về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ, Chính quyền Quận 5 đã nhiều lần trùng tu, tu sửa cấp thiết căn nhà này, sưu tầm và trưng bày những tài liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là quãng đời thanh niên của Người với tên gọi Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Văn Ba.

Ngày nay, trên con đường Châu Văn Liêm tấp nập, ngôi nhà nơi Người sống giản dị thuở xưa vẫn còn tồn tại như một chứng tích lịch sử quan trọng, luôn được mở cửa để chào đón du khách đến tham quan và tìm hiểu.

Lam Ngọc - Ngọc Thuận - Văn Chung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172921/tham-ngoi-nha-bac-ho-tung-o-truoc-khi-di-tim-duong-cuu-nuoc
Zalo