Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là dự án có vốn đầu tư và quy mô lớn nhất trong số 12 dự án thành phần với vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây lắp hơn 14.000 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 88km qua địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Công trình khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2026.
Sau hơn một năm kể từ ngày khởi công, nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành đắp nền đường một số đoạn tuyến của gói thầu XL1 thuộc địa bàn xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) và triển khai thi công mẻ cấp phối đá dăm đầu tiên của dự án đoạn qua Km5+400-Km6+400. Trong ảnh, lái máy rải thảm cấp phối Nguyễn Văn Đông đang quan sát cọc mốc tim tuyến để điều khiển máy san gạt đảm bảo độ chính xác.
Sau ngày đầu tiên triển khai thi công cấp phối đá dăm, đến nay nhà thầu đã thi công lớp cấp phối đá dăm có chiều dài tuyến khoảng 600m.
Để đảm bảo kết cấu, chất lượng công trình, nhà thầu tổ chức lu lèn bằng biện pháp thi công lu rung với đội máy lu cả chục chiếc.
Đá dăm phục vụ thi công dự án được nghiền từ đá nguyên khai với các thành phần hạt liên tục theo tiêu chuẩn kỹ thuật được phê duyệt. Nguồn đá lấy từ mỏ đá An Hội đã được Ban QLDA 2 và Bộ GTVT phê duyệt.
Lái máy lu Ngô Xuân Tuyển cho biết, trước anh tham gia thi công dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án hoàn thành nên anh được phân công đến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. "Gần 1 năm miệt mài, cuối cùng cũng đến thời điểm then chốt trong thi công công trình đó là lu lèn lớp cấp phối đá dăm. Công trường nắng nóng và xa gia đình nhưng nhìn thấy từng mẻ cấp phối đá dăm được đắp lên cũng đồng nghĩa tiến độ dự án đang thay đổi từng ngày", anh Tuyển tâm sự
Sau khi tiến hành san gạt cấp phối đá dăm, nhà thầu cho xe bồn tưới nước tạo độ ẩm và tiến hành lu lèn, đầm nén lớp móng trên và móng dưới. Vật liệu sử dụng cho dự án không bị nhiễm bẩn hoặc phân tầng.
Việc thi công các lớp móng cấp phối đá dăm trên cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn được tiến hành khi mặt bằng nền đường đắp đất k98 đã được nghiệm thu. Đồng thời, quá trình thi công nhà thầu đóng hệ thống cọc định vị tim và mép móng đường một cách cụ thể để quá trình thi công đảm bảo kỹ thuật.
Bên cạnh nguồn cấp phối đá dăm chở trực tiếp từ mỏ đá An Hội đến công trường thì tại đây, nhà thầu cũng chuẩn bị bãi trữ với khối lượng hàng chục nghìn m3.
Để thi công lớp cấp phối đá dăm đoạn tuyến đầu tiên của dự án, nhà thầu Đèo Cả huy động đầy đủ các trang thiết bị như máy rải, máy lu, ô tô tự đổ chuyên chở vật liệu, thiết bị khống chế độ ẩm, máy đo đạc cao độ, dụng cụ khống chế chiều dày, các thiết bị thí nghiệm kiểm tra độ chặt, độ ẩm tại hiện trường…
Xe lu thi công lớp cấp phối đá dăm khi thi công lớp nền sẽ di chuyển với vận tốc chậm để lu những lượt đầu, sau đó sử dụng lu có tải trọng nặng lu tiếp cho đến khi đạt độ chặt yêu cầu. Trong quá trình thi công, đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật túc trực kiểm tra liên tục bề mặt lớp cấp phối, độ dày, độ dốc ngang, độ bằng phẳng để kịp thời phát hiện những vị trí bị lồi lõm, phân tầng nhằm bù phụ, sửa chữa kịp thời.
Theo thiết kế, đoạn tuyến đang thi công cấp phối đá dăm có độ dày 32cm. Vật liệu đá dăm loại 1 đã được kiểm định đánh giá chất lượng.
Hơn 600m nền đường cấp phối đá dăm đầu tiên của dự án cao tốc thành phần Bắc-Nam đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn đã được thi công cơ bản đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, thẩm mỹ dự án.
Lê Đức