Thầm lặng 'giữ lửa' nghề thêu
Khi lối sống hiện đại đang len lỏi vào từng hơi thở cuộc sống người Việt thì vẫn đang có những con người từng ngày giữ lửa, tiếp nối cha ông lưu giữ và bảo vệ nghề thêu truyền thống trong thầm lặng.
GIỮ LỬA
Một ngày cuối năm 2024, tôi có dịp ghé thăm xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội), nơi có xưởng thêu tay truyền thống Quốc Sự tồn tại hàng nhiều thập kỷ tại mảnh đất được mệnh danh là cái nôi của nghề thêu Việt Nam.
Ra đời từ năm 1958, Quốc Sự đến nay được đánh giá là một trong những nhà sản xuất sản phẩm thêu tay truyền thống có tiếng tại Việt Nam. Trong lần ghé thăm này, tôi có dịp ngắm nghía kỹ hơn từng bức tranh, và rồi chợt nhận ra, chính bản thân cũng đã lãng quên đi thứ nghệ thuật truyền thống vô giá của cha ông.
Từng người thợ thêu cần mẫn, xỏ từng mũi kim, khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường nét để tạo ra một tác phẩm tuyệt đẹp. Chỉ khi tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra, tôi mới thấm thía được rằng, tại sao chúng ta phải lưu giữ những nghề truyền thống của đất nước. Nó không đơn thuần là giá trị vật chất trên mỗi bức tranh, mà nó còn là hồn cốt của dân tộc, là văn hóa, là bản sắc.
“Có nhiều dòng thêu tay, có dòng thêu tay rỗng nền, có dòng thêu tay đặc nền. Dòng tranh thêu đặc nền có nhiều tính nghệ thuật, phải do thợ tay nghề cao thực hiện. Ở dòng tranh này, thợ thêu sẽ không chỉ cần sự khéo tay, tỉ mỉ mà còn cần khả năng phối màu và sự sáng tạo không giới hạn. Các mũi kim cũng ngắn hơn, sợi chỉ mảnh hơn cùng với đôi tay uyển chuyển của người thợ mới có thể tạo nên một bức tranh thêu tay nghệ thuật thực sự,” vừa chăm chú xem các bức tranh thêu tôi vừa lắng nghe chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hằng - người thợ thêu đã gắn bó với Quốc Sự 40 năm có lẻ.
Nhìn qua bức tranh thêu, không ai nghĩ rằng đằng sau các đường khối, màu sắc kia là những sợi chỉ được người thợ cẩn thận đi từng đường kim để tạo nên sự mềm mại, các sợi chỉ rất mịn, nhìn thoáng qua giống như các nét vẽ trên giấy. Lớp này thêu xong sẽ đến lớp khác, chân thật như một bức tranh 2D, đó chính là điểm khác biệt của dòng tranh thêu tay nghệ thuật.
Màu sắc cũng là điểm nhấn của tranh thêu tay. Mỗi bức tranh không đơn thuần là từng mảng màu riêng biệt, mà nó được chú trọng từng tiểu tiết để tạo ra độ chuyển mượt mà, khoảng đất này chỗ nào cần thêu chỉ đậm, chỗ nào cần thêu chỉ nhạt, chỗ nào cần chỉ mảnh...
Nhưng quan trọng hơn giá trị, thêu tay là văn hóa, là tên tuổi và là thương hiệu. Có chứng kiến tận mắt mới hiểu lý do tại sao nhiều du khách yêu thích sản phẩm thêu truyền thống của Việt Nam, với nhiều khách hàng đến từ các nước vốn có nền nghệ thuật truyền thống cũng rất nổi tiếng như Nhật Bản.
Từ xưởng thêu ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, những sản phẩm thêu truyền thống của thương hiệu Quốc Sự vẫn đều đặn có mặt tại hai phòng trưng bày tranh thêu trên hai con đường Lý Quốc Sư và Nguyễn Thái Học ở trung tâm Hà Nội, thu hút nhiều khách hàng yêu nghệ thuật ghé thăm.
Mỗi ngày trôi qua, khi sự hiện đại đang len lỏi vào trong từng hơi thở cuộc sống thì ở đâu đó vẫn còn những người thợ cần mẫn với niềm đam mê, cố gắng giữ lửa cho nghề thêu truyền thống. Nhưng với dòng thời gian và sự biến động của thời cuộc, thêu tay đang dần mai một ngay tại cái nôi tạo ra nó. Không chỉ cạnh tranh với các sản phẩm thêu máy có giá thành rẻ, nghề thêu tay còn đứng trước thách thức lớn hơn: Người nghệ nhân tâm huyết có số tuổi nghề ngày càng cao trong khi phần nhiều lớp trẻ còn đang “mải mê” với những thứ mới lạ.
Những người như cô Hằng hay nhiều người thợ thêu khác, vẫn luôn trăn trở về việc, ai sẽ là người lưu giữ những tinh túy của nghề. Bởi người gắn bó với nghề thêu tay sẽ không chỉ cần sự yêu thích đơn thuần mà đó phải là đam mê, là cuộc sống.
Dù vậy, ở đâu đó vẫn có những người trẻ đang âm thầm tiếp nối văn hóa cho nghề.
TIẾP NỐI VĂN HÓA...
Bùi Phương Giang, cô gái nhỏ sinh ra tại quê hương nghề thêu Thường Tín đã lớn lên với sự gắn bó và trân quý những giá trị văn hóa quê hương. Là sinh viên theo học chuyên ngành thiết kế thời trang cùng niềm đam mê với nghề thêu, Giang đã quyết định xây dựng tiệm thêu Tóc Mây của riêng mình từ năm 2019.
Phương Giang tâm sự, yếu tố văn hóa đóng vai trò cốt lõi trong sự hình thành và phát triển của Tóc Mây. Các sản phẩm thêu của Tóc Mây không chỉ là thời trang mà còn mang hồn cốt của những giá trị truyền thống, từ câu chuyện lịch sử đến nét đẹp thủ công của người Việt. Điều này giúp Tóc Mây không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn kết nối văn hóa với khách hàng. Tóc Mây mong muốn đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với khách hàng, không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.
Khách hàng yêu thích các sản phẩm của Tóc Mây, đặc biệt là sự tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ và câu chuyện văn hóa đằng sau mỗi họa tiết. Nhiều khách hàng quốc tế cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú khi thấy những sản phẩm thêu mang đậm bản sắc Việt Nam nhưng vẫn phù hợp với phong cách thời trang hiện đại.
Dù vậy, để tiếp tục phát triển với nghề thêu, Giang cho rằng, việc tìm được một đội ngũ thợ thêu đảm bảo được nhu cầu của thị trường là khó khăn lớn nhất. Hiện tại, thợ giỏi thêu kỹ thuật truyền thống hầu hết đều đã có tuổi, thợ trẻ rất ít người muốn gắn bó với nghề thêu.
Trong khi đó, sự cạnh tranh và thị hiếu khách hàng liên tục thay đổi cũng là rào cản lớn cho Tóc Mây. Với sự phát triển của công nghệ, khách hàng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, thẩm mỹ, cũng như cách tiếp cận sản phẩm.
Việc cân bằng giữa thêu tay truyền thống và sản xuất hàng loạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng là một bài toán khó.
Chính vì thế, Tóc Mây đã chọn cách kế thừa và phát huy truyền thống, tiệm đã sử dụng nhiều kỹ thuật thêu như thêu máy lắc tay đơn chiếc, thêu tay thủ công, thêu vi tính để bổ trợ và phát huy các thế mạnh riêng.
Giang cho biết, Tóc Mây phát triển song song cả thêu tay và thêu máy vì hai loại hình này đều có những giá trị riêng biệt và bổ trợ lẫn nhau. Thêu tay là linh hồn của truyền thống, mang đến sự độc đáo và giá trị nghệ thuật cao, phù hợp với các sản phẩm đòi hỏi sự tinh xảo và ý nghĩa cá nhân hóa.
Trong khi đó, thêu máy giúp tăng hiệu suất và đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn, giữ cho giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn, đặc biệt ở những thị trường cần số lượng lớn.
Việc kết hợp cả hai phương pháp cho phép Tóc Mây tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng, từ người yêu thích sản phẩm thủ công cao cấp đến những người tìm kiếm sản phẩm mang phong cách hiện đại với giá cả hợp lý.
Bên cạnh kết hợp các kỹ thuật linh hoạt, Tóc Mây cũng vận dụng nhiều chất liệu để tạo nên những sản phẩm mới mẻ như ruy băng, len, chỉ thêu, các loại đá, cườm…
Hiện tại, sản phẩm của Tóc Mây được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước. Ngoài ra, nhiều đối tác của Tóc Mây cũng đã bán hàng tại thị trường quốc tế thông qua các kênh online và tại các cửa hàng. Trong tương lai, Tóc Mây dự định mở rộng hệ thống phân phối, tăng cường sự hiện diện tại các sàn thương mại điện tử quốc tế. Việc tham dự các triển lãm, hội chợ cũng là cách để tiếp cận được với những khách hàng tiềm năng như Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội diễn ra vào tháng 10/2024 vừa qua...
Ngồi lắng nghe chia sẻ của Giang, tôi mới thấy rằng, nghề thêu sẽ chẳng bao giờ biến mất. Bởi có những nghệ nhân, người thợ thêu như cô Hằng đang mỗi ngày âm thầm truyền lửa, bởi có những người trẻ như Giang dám nghĩ, dám làm để tiếp tục phát triển những điều tinh túy của dân tộc, tiếp nối cha ông quảng bá sản phẩm thêu đến bạn bè quốc tế.
Không phải đao to búa lớn, chúng ta vẫn đang có những con người từng ngày từng ngày bảo vệ và phát triển nghề thêu, những ngành nghề có giá trị truyền thống của dân tộc, trong thầm lặng.
Tại Việt Nam, theo nhiều tài liệu ghi chép, nghề thêu đã có từ thời vua Hùng. Sau này, vào thế kỷ 17, nhờ ông tổ Lê Công Hành (sinh ra tại Thường Tín) mà nghề thêu tay có cơ hội du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đến thời nhà Nguyễn, bà Hoàng Thị Cúc và hoàng hậu Nam Phương đã đưa thêu thùa lên một tầm cao mới khi kết hợp những kỹ thuật truyền thống lâu đời với các chi tiết, phong cách từ phương Tây, tạo nên kỹ thuật thêu của Cung đình Huế vang danh.