Thầm lặng dưới mặt đường...
Để khơi thông dòng chảy, đảm bảo thoát nước cho đô thị Huế, những người công nhân thoát nước của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) ngày ngày cần mẫn làm việc dưới lòng cống để ngăn chặn tình trạng ngập úng.
Công việc của anh Phạm Văn Xuân, công nhân thoát nước của HEPCO bắt đầu vào lúc sáng sớm; cùng với những “đồng đội” trong đội công nhân thoát nước, nạo vét các kênh mương, khơi thông lòng cống, kiểm tra hệ thống thoát nước để ngăn ngừa nguy cơ ngập úng và duy trì tuổi thọ của hạ tầng thoát nước trên địa bàn thành phố. “Mỗi ngày, chúng tôi nạo vét mương và kiểm tra hệ thống thoát nước, vỉa hè được giao vào buổi sáng, sau đó tiếp tục khơi thông lòng cống và kiểm tra lại các đoạn cống vào buổi chiều”, anh Xuân chia sẻ.
Công việc của những công nhân thoát nước không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trong lòng cống, không gian hẹp và tối tăm. Những chiếc cống như là những cái hố sâu, nơi mà mọi thứ tích tụ lại: bùn đất, lá cây, rác thải, thậm chí cả những vật sắc nhọn, nguy hiểm như mảnh kính, kim tiêm. Mùi hôi thối từ nước đọng bốc lên nồng nặc, khiến điều kiện làm việc càng thêm phần khó khăn. "Nhiều người không ý thức, cứ cho rằng cống thoát nước là thùng rác nên cái gì cũng vứt xuống”, anh Xuân nói.
HEPCO hiện đã trang bị các máy hút, máy thổi phụ trợ, giúp công việc được đẩy nhanh hơn, đỡ cực nhọc hơn trước nhưng những người công nhân vẫn phải làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, và phải rất cẩn thận mỗi khi đẩy mạnh các lớp bùn, lớp dầu cứng để tránh bị thương bởi các mảnh vỡ hoặc các vật sắc nhọn lẫn khuất trong đống rác thải.
Dù công việc vất vả nhưng những người công nhân thoát nước vẫn luôn cảm thấy công việc đáng quý, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp họ nuôi bản thân và gia đình. Có người như anh Xuân đã gắn bó với nghề suốt mấy chục năm, từ khi còn thanh niên đến lúc tóc đã hai màu. "Sau mỗi ngày làm việc vất vả, chúng tôi dù mệt nhưng cũng thấy an tâm hơn bởi qua nhiều lần kiểm tra, khơi thông cống rãnh sẽ giúp cho đường sá trong đô thị không bị ngập lụt, đảm bảo rằng các con đường không bị tắc nghẽn và giao thông vẫn thông suốt trong mùa mưa", một công nhân chia sẻ.
Hoạt động khơi thông cống rãnh, kiểm tra hệ thống thoát nước là nhiệm vụ thường xuyên của công nhân thoát nước, nhất là trước mùa mưa lũ. Trên những con đường xe cộ tấp nập, bên dưới lòng cống, các công nhân vẫn thầm lặng cạy từng mảng dầu, xúc từng lớp bùn để nước có lối thoát, giữ cho đô thị khỏi ngập úng. Song song với đó, các công nhân cũng nhắc nhở người dân không che đậy các họng thu nước, không quét rác xuống họng thu nước để tránh tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập úng khi có mưa lớn; đồng thời hướng dẫn cho người dân chủ động khơi thông những cống thoát nước ở gần nhà hoặc khu dân cư để tạo đường thoát nước.
Theo ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng Giám đốc HEPCO, hiện xí nghiệp thoát nước của công ty có hơn 30 người. Đội ngũ này vừa quản lý lề đường, vừa làm sạch cống ngầm. "Đối với những người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như đội ngũ công nhân thoát nước, công ty luôn trang cấp đầy đủ đồ bảo hộ lao động. Các công nhân cũng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 như chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm, chế độ bệnh nghề nghiệp...", ông Trần Hữu Ân chia sẻ. Sự quan tâm, động viên kịp thời từ công ty đã góp phần giúp đội ngũ công nhân ở xí nghiệp thoát nước an tâm làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những công nhân thoát nước đã chọn công việc nặng nhọc, vất vả để góp phần xây dựng hình ảnh đô thị xanh, sạch, sáng, thân thiện với môi trường. Họ đáng được trân quý và tôn trọng.