Thảm kịch ở Hàn Quốc và bài học cảnh tỉnh
Đầu tháng 10/2022 thế giới rúng động bởi thảm kịch bóng đá Indonesia làm hơn 120 người thiệt mạng. Những ngày cuối tháng 10 (29/10) thế giới thêm một lần rúng động về thảm kịch liên quan đến lễ hội Halloween tại Seoul (Hàn Quốc) khiến 154 người bị chết, trong đó bước đầu xác định có 1 công dân Việt Nam.
Nếu như thảm kịch ở Indonesia khởi đầu từ sự tức giận của cổ động viên gây ra ẩu đả vượt tầm kiểm soát, khiến hơn 120 người tử vong, còn thảm họa ở Hàn Quốc liên quan đến sự cố đám đông chen lấn. Cụ thể, vào tối thứ Bảy (29/10) khi một đám đông những người dự tiệc Halloween tập trung chật kín trong một con hẻm hẹp 3,2 mét ở khu giải trí Itaewon của Seoul (Hàn Quốc). Một số người trong số họ bắt đầu ngã xuống, khiến những người khác ngã theo như "quân cờ domino" và chồng chất lên nhau.
Những thảm kịch như trên là không ai mong muốn và vượt tầm kiểm soát, tuy nhiên từ thảm kịch đêm hội Halloween tại Seoul (Hàn Quốc) cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh và rút ra nhiều bài học cho mỗi chúng ta, đặc biệt là giới trẻ.
Như chúng ta đã biết, cùng với công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế và hội nhập với thế giới bên ngoài, hơn 2 thập kỷ qua văn hóa nước ngoài cũng đã xâm nhập và hòa nhập vào dòng chảy của xã hội nước ta. Cạnh đó, khi đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, nhu cầu thưởng thức văn hóa, vui chơi giải trí ngày càng nhiều, trong đó “văn hóa” lễ hội, văn hóa đường phố đã trở thành nét đặc trưng. Ngoài xu thế những ngày lễ hội truyền thống (đình, chùa, miếu mạo dịp đầu năm), thì thời gian qua đêm lễ hội Halloween, đêm Giáng sinh, giao thừa Tết âm lịch, thậm chí cả ngày Rằm Trung Thu… người dân, nhất là các bạn trẻ “đổ” ra đường rất đông. Đấy là chưa kể những tụ điểm ca nhạc ngoài trời.
Những nhu cầu trên là hoàn toàn chính đáng, song điều mà mỗi chúng ta quan tâm là hãy biết phải bảo vệ chính bản thân mình.
Nhìn lại những vụ thảm kịch ở đám đông thời gian qua, trừ những vụ bất khả kháng, còn lại dễ dàng nhận thấy đa số đều xuất phát từ sự chen lấn của một bộ phận thiếu ý thức. Nếu chúng ta cũng ra đường, cũng đi vui chơi lễ hội, cũng tụ tập đông người nhưng xếp hàng trật tự, giữ khoảng cách, không mang các đồ vật dễ phát nổ, không cố tình chen lấn thì chắc chắn không xảy ra những vụ việc đau lòng trên. Ngược lại trong biển người, trong làn sóng người, ai cũng muốn chen vào chỗ đẹp, chỗ dễ quan sát, ví như để xem bắn pháo hoa…nhưng chỉ cần một người bị ngã, hay sự cố nào đó sự “hoảng loạn” đám đông nhanh chóng bùng phát, thiệt hại là rất khó tránh khỏi.
Bởi vậy, để không xảy ra những thảm kịch như ở Hàn Quốc, trong bối cảnh đang mùa lễ hội cuối năm sắp đến mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức khi tham gia nơi đông người. Cần phải đặt sự an toàn của chính mình và cộng đồng lên hàng đầu.