Thám hoa Thiều Sĩ Lâm

Trong những danh sĩ làm nên tiếng tăm của vùng đất học Cổ Bôn xứ Thanh, có Thám hoa Thiều Sĩ Lâm. Ông cũng thuộc dòng dõi của Thượng tướng quân Thiều Thốn thời nhà Trần.

Thám hoa Thiều Sĩ Lâm được hậu thế thờ phụng ở nhà thờ dòng họ làng Phúc Triền.

Thám hoa Thiều Sĩ Lâm được hậu thế thờ phụng ở nhà thờ dòng họ làng Phúc Triền.

Là một trong những vùng đất nằm ở trung tâm của châu thổ sông Mã, Cổ Bôn (Bồ Lô Trang; Tứ Bôn, Kẻ Bôn) từ xa xưa đã nổi tiếng với truyền thống học hành, khoa bảng và các giá trị văn hóa đặc sắc. Người Cổ Bôn cũng tự hào với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp: “Bồ Lô Trang hữu tình sơn thủy/ Núi Quỳnh Đôi như lũy trường thành/ Bốn mùa hoa trái tươi xanh/ Sông Phồn uốn khúc vòng quanh trước làng”. Cũng bởi đất đai tốt tươi, con người hiền hòa mà từ rất sớm, Cổ Bôn đã thu hút người muôn phương đến đây lập nghiệp.

“Thời Lê, các làng ở Đông Thanh khá phát triển, các dòng họ lớn đã được hình thành, nhiều dòng họ có những người đỗ đạt cao, nhiều người được triều đình trọng dụng. Các công trình kiến trúc có quy mô lớn, các tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật mang dấu ấn thời Lê còn lại khá nhiều tại các làng xã ở Đông Thanh đã cho biết, các làng ở Cổ Bôn nổi tiếng là làng văn vật của xứ Thanh “kể trong trấn Thanh Hoa là đệ nhất” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Đông Thanh).

Cũng theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Đông Thanh, quá trình hình thành các làng ở Cổ Bôn gắn liền với quá trình hình thành, phát triển các dòng họ. Trong đó, họ Thiều làng Phúc Triền thuộc Cổ Bôn là một trong những dòng họ lớn. “Họ Thiều vốn gốc ở làng Nhuận Thạch (Đông Tiến). Ông tổ là võ tướng Thiều Thốn, là người nổi tiếng trong việc dùng binh và nuôi dưỡng quân sĩ, được sử sách lưu danh. Dòng họ này có nhiều “chi”, có đóng góp trong việc xây dựng làng ở Cổ Bôn. Họ Thiều có nhiều người đỗ đạt, tiêu biểu là Thiều Sĩ Lâm”.

Chưa có khẳng định chắc chắn thời gian chính xác người họ Thiều đến đất Cổ Bôn lập nghiệp, tuy nhiên, Thiều Sĩ Lâm được xem là người “mở đầu” con đường khoa cử của dòng họ Thiều ở Cổ Bôn.

Thiều Sĩ Lâm từ nhỏ đã thông minh, chăm chỉ đèn sách, học hành giỏi giang và có tiếng là thần đồng. Khoa thi năm Canh Tuất (1670) đời vua Lê Huyền tông, Thiều Sĩ Lâm thi đỗ Thám hoa, được bổ làm quan trong triều đình.

Năm 1675, ông được bổ làm Lại khoa Đô cấp sự trung. Theo sách Lê triều quan chế, Thiều Sĩ Lâm giữ chức trưởng quan. Ở vị trí này, ông có nhiệm vụ giám sát cũng như bác bỏ việc Bộ Lại cất nhắc, thăng bổ quan lại (nếu) không tuân thủ quy định. Bộ Lại là một trong lục bộ của triều đình phong kiến, chuyên lo việc chính sự thăng giáng về văn quan trong kinh, ngoài trấn, chỉnh đốn phương pháp làm quan để giúp việc chính sự trong nước.

Về sau, Thiều Sĩ Lâm làm đến chức Tham Chính (thời Lê, Tham Chính là chức quan trọng trong Ty, trật Tòng tứ phẩm). Điều đó cho thấy đức độ, tài năng và những cống hiến của ông đối với triều đình là rất lớn (nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Khiếu).

Không chỉ là văn quan đức độ, sinh thời, Thiều Sĩ Lâm còn được biết đến là một thầy giáo tận tụy. Ông dành thời gian kèm cặp, chỉ dạy và có nhiều học trò đỗ đạt. Trong số học trò của ông, nổi bật có Lê Khả Trinh - một người cùng quê Cổ Bôn (làng Phúc Thọ, nay là Phúc Triền thuộc Cổ Bôn xưa).

Theo các tài liệu lưu giữ, Lê Khả Trinh vốn con cháu nhà quan, lại nhờ có công dạy bảo tận tình của thầy Thiều Sĩ Lâm nên mới 24 tuổi, lần đầu tham gia khoa thi Đình (năm 1676) đã đỗ. Ở khoa thi năm đó, Lê Khả Trinh đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.

Người Cổ Bôn đến nay còn kể, vào ngày xướng danh treo bảng các tân khoa vào chầu, Thiều Sĩ Lâm thấy học trò của mình hiển đạt thì vui mừng khôn xiết. Không giấu được xúc cảm, ông ôm học trò và nói: “Năm xưa ta đậu Tam khôi/ Vui là vui vậy, không vui bằng rầy”. Cũng bởi tấm lòng thương yêu, tận tụy của thầy dạy mà học trò Lê Khả Trinh dù sau này vinh hiển vẫn luôn nhớ ơn.

Sự phát triển của làng Phúc Triền thuộc đất Cổ Bôn xưa có dấu ấn đóng góp của dòng họ Thiều.

Sự phát triển của làng Phúc Triền thuộc đất Cổ Bôn xưa có dấu ấn đóng góp của dòng họ Thiều.

Chuyện kể rằng, làm quan lớn trong triều nhưng Thiều Sĩ Lâm lại muộn đường con cái. Ông chẳng may qua đời khi người vợ lẽ đang mang thai. Người vợ này của ông lại nổi tiếng xinh đẹp, vì vậy, sau khi ông mất chẳng bao lâu đã bị một người có quyền thế chiếm làm vợ. Chỉ vài tháng sau bà đã sinh con trai. Biết đó là cốt nhục, con trai của thầy Thiều Sĩ Lâm, học trò Lê Khả Trinh bấy giờ đã làm quan trong triều liền quyết tâm đi kiện để giành lại con cho thầy. Việc kiện tụng cứ giằng co mãi không dứt. Để toàn tâm “đòi con” cho thầy, Lê Khả Trinh đã xin cáo quan để theo kiện. Nhờ sự “bền gan” của ông Lê Khả Trinh, cuối cùng đã giành lại vợ và con cho người thầy đã khuất. Về sau, Tiến sĩ Lê Khả Trinh lại được triều đình triệu ra làm quan.

Công ơn của Tiến sĩ Lê Khả Trinh được người họ Thiều khắc ghi. Vì vậy mà khi xưa, vào ngày 24 tháng Giêng hằng năm - ngày giỗ Tiến sĩ Lê Khả Trinh, con cháu họ Thiều lại mang lễ sang dâng cúng, lễ chỉ có hai miếng trầu; còn về phía họ Lê, hằng năm vào ngày giỗ Thám hoa Thiều Sĩ Lâm, lại gửi giỗ sáu đồng tiền kẽm. Ngụ ý, lễ có thể bạc song lòng phải thành kính, tình nghĩa lâu bền. Việc “gửi lễ” đơn giản cũng cốt để con cháu đời sau có thể duy trì được, ấy là cái tình - nghĩa thầy trò được lưu truyền mãi.

Dù sống trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động song bản tính không ganh đua, ít tham vọng nên sự nghiệp quan lộ của Thám hoa Thiều Sĩ Lâm khá bằng phẳng, hanh thông, dẫu không vinh quang, quyền lực tột đỉnh song ông lại được sử sách, hậu thế nhắc nhớ bởi sự đức độ.

“Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã để lại cho con cháu một gia tài vô giá, không chỉ là một nền nếp giáo dục chu đáo mà còn là tấm gương về cuộc sống thanh liêm, cương trực hết lòng vì nước, vì dân” (sách Danh nhân Thanh Hóa).

Sau khi mất, Thám hoa Thiều Sĩ Lâm được đưa về an táng ở quê nhà Cổ Bôn, ông được con cháu thờ phụng tại nhà thờ dòng họ ở làng Phúc Triền (xã Đông Thanh). Ông Thiều Sĩ Tám, hậu duệ dòng họ Thiều, tự hào: “Sinh thời, cụ Thiều Sĩ Lâm làm quan có tiếng thanh liêm, cuộc đời của cụ cũng nổi tiếng thanh bạch, vì thế gia tài để lại cho cháu không phải bạc vàng mà là một nhân cách sống mẫu mực, tiếng thơm lưu danh hậu thế...”.

Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: Danh nhân Thanh Hóa; Lịch sử Đảng bộ xã Đông Thanh.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tham-hoa-thieu-si-lam-33620.htm
Zalo