'Thảm họa nợ' leo thang ở các quốc gia phát triển

Phát triển kinh tế đòi hỏi nguồn tài chính phải có giá cả phải chăng, dễ tiếp cận và phù hợp với kết quả phát triển. Tuy nhiên, đối với hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới, hiện không có điều nào ở trên áp dụng được. Thay vào đó, một 'thảm họa nợ' đang leo thang đang diễn ra trên khắp các quốc gia đang phát triển. Tình hình thậm chí ngày càng trầm trọng hơn do một loạt các cuộc khủng hoảng toàn cầu liên tiếp.

 Khủng hoảng nợ đang kìm hãm sự phát triển của nhiều quốc gia. Ảnh minh họa: Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương

Khủng hoảng nợ đang kìm hãm sự phát triển của nhiều quốc gia. Ảnh minh họa: Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương

Tình hình nghiêm trọng

Cụ thể, hơn một nửa trong số 68 quốc gia đủ điều kiện tham gia Quỹ Tín thác tăng trưởng và giảm nghèo (PRGT) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần, cao hơn gấp đôi so với con số của năm 2015.

Tuy nhiên, chỉ số liệu này cũng không phản ánh đủ quy mô của vấn đề, bởi vẫn còn nhiều quốc gia nằm ngoài khuôn khổ PRGT cũng đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần chồng chất và thách thức về thanh khoản.

Ghi nhận từ năm 2017 đến năm 2023, mức chi trả nợ trung bình của các nước đang phát triển tăng gần 12%/năm, cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thu nhập kiều hối của các nước. Do đó, trong giai đoạn này, tính bền vững của nợ nước ngoài đã xấu đi ở 2/3 các nước đang phát triển.

Hậu quả là các nước mắc nợ ưu tiên “nghĩa vụ với chủ nợ” hơn sự phát triển của quốc gia, các khoản thanh toán nợ tăng vọt lấn át các khoản đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng và vốn con người, từ đó kìm hãm tăng trưởng và trì hoãn hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày nay, có đến 3,3 tỷ người sống ở các quốc gia chi nhiều hơn cho việc trả nợ so với chăm sóc sức khỏe và giáo dục, phần lớn trong số họ đều ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình.

Nếu không được giải quyết, những hạn chế về thanh khoản hiện tại có thể nhanh chóng chuyển thành một cuộc khủng hoảng về khả năng thanh toán toàn diện. Do đó, cần có sự can thiệp khẩn cấp để ngăn chặn làn sóng vỡ nợ và đưa các quốc gia mắc nợ vào con đường độc lập kinh tế.

Hành động nhanh chóng

Để ứng phó với khủng hoảng nợ đang leo thang ở khu vực Nam Bán cầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thành lập Nhóm chuyên gia về nợ vào tháng 12/2024. Các thành viên của nhóm có nhiệm vụ xác định và đưa ra các giải pháp chính sách để giúp các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ đang phát triển thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tình trạng nợ nần.

Mặc dù các nhóm làm việc trước đây của Liên hợp quốc đã giải quyết các vấn đề nợ công, nhưng có một số yếu tố khiến sáng kiến về Nhóm chuyên gia mới này trở nên khác biệt.

Đầu tiên là thời điểm. Cụ thể, Nhóm chuyên gia về nợ được thành lập khi các cú sốc kinh tế liên tiếp đã buộc các nước đang phát triển phải vay nợ, thường là với lãi suất cao, qua đó hạn chế nghiêm trọng không gian tài chính của họ. Trong bối cảnh chỉ còn 5 năm nữa là đến hạn đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2030, song các nước đang phát triển vốn bị cản trở bởi khoảng cách tài chính hàng năm là 4 nghìn tỷ USD, chỉ đang trên đà đạt được ít hơn 1/5 các mục tiêu SDG.

Thứ hai, trong khi các sáng kiến hành động giải quyết khủng hoảng nợ của thế giới trước đây tập trung vào khả năng trả nợ và quản lý nợ của các nước đang phát triển, Nhóm chuyên gia về nợ được Liên hợp quốc thành lập sẽ đặt mục tiêu hành động để đảm bảo rằng mọi giải pháp được đề xuất đều hỗ trợ phát triển bền vững.

Thứ ba, Nhóm chuyên gia đặt mục tiêu xác định và thúc đẩy các giải pháp có thể được chính phủ và người dân ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia ủng hộ.

Trong thời gian tới, với 3 cuộc họp đã được lên lịch, đặc biệt là Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài trợ cho phát triển dự kiến diễn ra vào tháng 7 tại Tây Ban Nha, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nam Phi và Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP30) diễn ra tại Brazil vào tháng 11, có thể đóng vai trò là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các giải pháp chính sách thực tế và thiết thực.

Các chuyên gia cho rằng, chắc chắn sẽ không tồn tại một cải cách đơn lẻ nào có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của thế giới đang phát triển trong một sớm một chiều. Nhưng cuộc khủng hoảng đã phơi bày những hạn chế trong những cách tiếp cận thông thường, từ đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải xem xét lại cấu trúc và mục đích của nợ công để đảm bảo các quốc gia không còn phải băn khoăn khi lựa chọn giữa việc “trả nợ cho chủ nợ” và đảm bảo tương lai của nền kinh tế quốc gia.

Trước bối cảnh này, bất kỳ giải pháp nào, hành động nào cũng phải được thực hiện nhanh chóng và có khả năng đoàn kết một liên minh rộng lớn với nhiều bên liên quan. Để phá vỡ chu kỳ khủng hoảng nợ, các giải pháp phải vượt ra ngoài các giải pháp khắc phục ngắn hạn và đóng vai trò là nền tảng cho phát triển bền vững.

Hạnh Nhi(Lược dịch từ Jakarta Post)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/tham-hoa-no-leo-thang-o-cac-quoc-gia-phat-trien-152713.html
Zalo